Hậu sáp nhập Habubank, VVF: SHB xin miễn, giảm thuế thu nhập

(Dân trí) - Cùng với việc thông qua giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF) vào SHB, ngân hàng còn kiến nghị lên NHNN cho tìm đối tác chiến lược nước ngoài và xin miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sáng nay 24/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2015. Đại hội đã thông qua giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF) vào SHB.

Theo đó, SHB sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu tương ứng 1.000 tỷ đồng để thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của VVF theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP), đưa vốn điều lệ của SHB lên 10.486 tỷ đồng, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng.

Sau sáp nhập SHB sẽ tái cấu trúc VVF thành Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH một thành viên trực thuộc SHB với quy mô vốn 1.000 tỷ đồng.

 


Đại hội cổ đông đã thông qua giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF) vào SHB

Đại hội cổ đông đã thông qua giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF) vào SHB

 

Cùng với đó, ngân hàng này cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần hoặc liên doanh với công ty tài chính tiêu dùng sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ nắm giữ tối đa theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính miễn 100% thuế thu nhập trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm 2016 và 2017 (trong đó 50% thuế được miễn theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB, 50% thuế được miễn sau khi nhận sáp nhập VVF)...

Đồng thời, ngân hàng này còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trước năm 2015 trong 10 năm theo khả năng tài chính của ngân hàng kể từ ngày phát hành trái phiếu; phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở đi trong vòng 10 năm theo khả năng tài chính của SHB kể từ ngày phát hành trái phiếu.

Đặc biệt, theo yêu cầu của SHB, Ngân hàng Nhà nước không cộng nợ xấu từ cho vay, ủy thác đầu tư, trái phiếu VVF khi thực hiện công tác xếp hạng tổ chức tín dụng hoặc khi tính các điều kiện xin cấp phép khác theo quy định.

Đại diện SHB cho biết, trước khi đệ trình đại hội cổ đông bất thường thông qua giao dịch sáp nhập, trong 3 năm qua SHB đã tính toán, tìm hiểu kỹ lưỡng hoạt động của VVF và nghiên cứu thị trường tài chính tín dụng tiêu dùng. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của VVF đến 30/6/2015 là 35% nhưng tổng dư nợ thấp nên giá trị tuyệt đối chỉ là 57 tỷ đồng.

VVF là trường hợp thứ hai mà SHB nhận sáp nhập, sau Habubank. Tại thời điểm nhận sáp nhập tháng 8/2012, Habubank gặp thua lỗ, nợ xấu cao, mất thanh khoản... và bị đưa vào trường hợp giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi nhận sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng cao do tiếp nhận các khoản nợ tồn đọng do Habubank chuyển sang. Tuy nhiên, từ mức 8,81% sau khi nhận sáp nhập Habubank, tỷ lệ nợ xấu đến 30/6/2015 của SHB giảm xuống 2,48%, thấp hơn so với mức 3% quy định của NHNN.

Nguyễn Hiền

 

Hậu sáp nhập Habubank, VVF: SHB xin miễn, giảm thuế thu nhập - 2