1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hậu quả của "bán nhà trên giấy"!

Quy chế khu đô thị mới kèm theo Nghị định 02 được Chính phủ ban hành vào tháng 1 vừa qua không chỉ gây sự chú ý của giới đầu tư mà ngay cả những người dân cũng đặc biệt quan tâm, bởi nhiều người dân trước đây đã bỏ ra hàng tỷ đồng đặt cọc mua nhà nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa được bàn giao để sử dụng.

Nội dung của mục 2 điều 23 phần kinh doanh trong dự án khu đô thị mới của Quy chế khu đô thị mới quy định: Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức. Nhiều người dân quan tâm coi đây như một cái phao cứu cho hàng trăm triệu đồng họ đã bỏ ra mua những căn hộ từ trước thời điểm có quy chế này mà cho đến giờ vẫn chưa được khởi công.

Cụ thể trường hợp của một người dân ở Quận Đống Đa Hà Nội. Vào thời điểm đầu năm 2004, anh này đã bỏ ra 100 triệu đồng để đóng tiền đợt 1 cho diện tích 95m2 nhà CT2 cao 15 tầng thuộc dự án Cầu diễn II, Từ Liêm, Hà Nội.

Hợp đồng mua bán nhà ghi rõ, chậm nhất là đến quý IV năm 2004, anh sẽ phải đóng tiền đợt cuối cùng rồi nhận bàn giao nhà. Nhưng cho đến nay, tức là đã sau 2 năm hợp đồng được ký kết, mặt bằng của dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống. Hợp đồng đã bị phá vỡ mà anh thì chỉ nhận được sự im lặng từ phía chủ đầu tư công trình.

Xem qua nội dung quy chế khu đô thị mới, anh không chỉ đồng tình với cách nói ngắn gọn rằng đó là quy định cấm bán nhà trên giấy của nhà nước đối với chủ đầu. Nhưng ứng với trường hợp của anh, cái nghĩa đen của câu nói "bán giời có văn tự" được anh cho là rất thực tế vì căn hộ, nơi khoảng không gian sau này anh sẽ sở hữu nằm trên tầng 6 của khu chung cư sẽ xây dựng trong tương lai.

Khách hàng mua nhà CT2, Cầu Diễn II, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh mua nhà với mục đích để sử dụng. Để mua được anh phải thông qua một người môi giới và mua lại với giá chênh lệch rất cao.

Thời điểm năm 2004, anh bỏ ra 100 triệu đồng chỉ với hy vọng lớn là có được một căn hộ ở tầng 6. Khi mua, người môi giới cũng đưa anh đến đây và chỉ qua cho anh sẽ có một ngôi nhà ở trên tầng. Theo hợp đồng, vào quý IV năm 2004 sẽ tiến hành xây dựng thì phải đóng tiền nhưng chờ mãi chẳng thấy gì cả.

Như vậy, chủ đầu tư đã làm mất lòng tin đối với khách hàng. Sau thời gian 2 năm thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư vẫn không có bất kỳ một lời giải thích nào là một điều khó có thể chấp nhận được.

Đối với khách hàng, họ chỉ biết chông chờ vào một ngày nào đó, công trình sẽ mọc lên để số tiền mà họ bỏ ra không phải là tiền ném vào hư không. Chưa kể đến, tại thời điểm hiện nay, việc mua một căn hộ chung cư đô thị mới dễ dàng hơn bao giờ hết.

Ngay bên cạnh dự án Cầu Diễn II còn nằm im lìm, một lời chào mời mua căn hộ chung cư mới có vị trí tương tự đầy hấp dẫn nếu người mua có đủ tiền. Với người chủ đã mua căn hộ tại Dự án Cầu Diễn II này, anh không khỏi tiếc rẻ vì cơ hội làm lại của anh bây giờ không còn vì điều kiện kinh tế của một công chức nhà nước chỉ có giới hạn. Phần nào, sự tiếc rẻ đó còn vì số tiền chênh lệch mà trước đây anh chấp nhận bỏ ra để có thể tiếp cận được với chủ đầu tư công trình.

Cái giá cho một thời điểm chưa có những điều chỉnh chặt chẽ của nhà nước vào lĩnh vực này làm cho người dân phải chịu đựng quá với sức của họ.

Khách hàng mua nhà CT2, Cầu Diễn II Từ Liêm, Hà Nội cho biết, mong muốn của ông là làm sao càng sớm càng tốt khởi công xây dựng và bàn giao công trình theo đúng như hợp đồng người ta đã ký. Dường như chủ đầu tư đã không có trách nhiệm gì với việc nhanh chóng khởi công xây dựng công trình này mặc dù họ đã nhận đủ số tiền.

Người dân đánh giá rất cao sự can thiệp kịp thời của Nhà nước khi ban hành quy chế khu đô thị mới để loại bỏ những quy định trước đây còn chưa hợp lý. Từ đây, việc loại bỏ những nhà đầu tư kém năng lực và uy tín ra khỏi cuộc chơi sẽ làm yên tâm phần nào những lo lắng của người dân. Quản lý chặt chẽ hơn những doanh nghiệp chủ đầu tư khi tham gia đầu tư các công trình khu đô thị mới.

Theo Nguyễn Thương
VTV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm