Hậu cổ phần hóa: Sếp dôi dư đi về đâu?

Không chỉ chịu sức ép theo tiến độ cổ phần hóa Chính phủ đề ra, nhiều sếp DNNN còn có nỗi niềm riêng là không biết sẽ đi về đâu khi được xếp vào dạng dôi dư.

Lo chậm, sợ ế

 

Tại hội thảo mới đây của Đảng Uỷ khối doanh nghiệp Trung ương về DNNN, lãnh đạo một tập đoàn Nhà nước lớn thừa nhận, thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) được như ở Bộ Giao thông vận tải là hiếm có. Trước sức ép tiến độ, nhiều người đã lo ngại sẽ khó hoàn thành theo mốc yêu cầu 31/12/2015.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo ông Phạm Xuân Cảnh, Phó bí thư Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc phê duyệt đề án tái cơ cấu các DN đang chậm ở rất nhiều khâu, nhiều cấp, kể cả ở việc Tập đoàn mẹ phê duyệt đề án của công ty con. Trong đó, có lý do là các DN chưa thực sự quyết liệt triển khai.

 

"Làm được như giao thông vận tải là hiếm có", ông Cảnh thừa nhận. .

 

Trong khi đó, chất lượng thoái vốn cũng đang là một câu hỏi lớn. Ông Hoàng Văn Học, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước lo ngại: "Sang năm tới, kế hoạch thoái vốn sẽ mạnh hơn vì đó là thời hạn của tất cả DNNN phải cổ phần hoá. Nhưng khi tất cả ồ ạt bán vốn ra thì cũng là một vấn đề phải xem kỹ".

 

Ông chia sẻ: "Sức mua trên thị trường gần đây giảm nhiều. SCIC bán vốn các DN ngày hôm nay rất khó khăn. Nhiều DN phải bán đấu giá rất nhiều lần, hạ giá mới được".

 

Cienco 8 thực hiện IPO đạt tỷ lệ thành công 4%.
Cienco 8 thực hiện IPO đạt tỷ lệ thành công 4%.

 

Năm 2013, SCIC đã thoái hết vốn tại 587 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, đạt gần 2/3 tổng số DN tiếp nhận. Tổng vốn thu về đạt hơn 4.000 tỷ đồng, thặng dư được hơn 2,2 nghìn tỷ.

 

Đúng như lo ngại của ông Học, thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, trong tổng số 25 đơn vị DNNN vừa thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tính đến 14/5 thì chỉ có 11 DN bán được hết số cổ phần chào bán, đạt tỷ lệ 100%. Còn lại, có những DN bán chưa đến 5% số cổ phần chào bán như trường hợp Cienco 8. Chỉ có duy nhất Viglacera bán được cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 52% số cổ phần chào bán.

 

Tại sàn giao dịch TP HCM, DNNN có tỷ lệ bán cổ phần tốt nhất cũng chỉ đạt 37%.

 

Phó Tổng giám đốc SCIC cho rằng, trong hình hình hiện nay, nếu chỉ kêu gọi vốn trong nước sẽ đạt kết qủa rất hạn chế. Muốn thoái vốn nhanh, có chất lượng thì cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài.

 

Ông Học cho rằng, Nhà nước chỉ nên giới hạn nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực nhất định và nên mở "room" đối với những lĩnh vực mà Nhà nước sẽ thoái hết vốn, bởi đó cũng chính là khu vực cần kêu gọi đầu tư.

 

Trước nhiều băn khoăn của các DN, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, việc thoái vốn ngoài ngành của DNNN không có nghĩa đòi hỏi phải là thoái hết một lần là có hiệu quả. Các DN cần phân loại xem, loại nào cần thoái ngay và loại nào thoái theo lộ trình. Nhưng tổng thể, phải có gắng hoàn thành trước năm 2015.

 

Sếp lo mất việc

 

Ngoài áp lực tiến độ và bất lợi từ thị trường, ông Hoàng Văn Học chia sẻ thêm: "Chúng tôi muốn có giải pháp triệt để nào đó để giải quyết tất cả các tồn tại, vướng mắc của DNNN trước khi CP. Nhiều DN rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ nần không trả được, hoặc có nợ không thu hồi được, tài sản tồn đọng, nếu tất cả những vấn đề này không xử lý từ trước thì khi đến thời điểm phải cổ phần hoá, sẽ không thể làm được".

 

Cổ phần hoá là con đường nâng cao hiệu quả cho DNNN
Cổ phần hoá là con đường nâng cao hiệu quả cho DNNN

 

Ông Phạm Xuân Cảnh thừa nhận: "Để đảm bảo đúng tiến độ, các công ty cứ trình lên cấp trên mà không lường trước được hết khó khăn cần tháo gỡ. Hoặc, có thực trạng là các công ty cũng biết trước còn nhiều tồn động nhưng cứ trình đề án cho kịp tiến độ".

 

Một trong những điển hình vướng mắc đó là câu chuyện lao động dôi dư đối với chính các vị lãnh đạo DNNN. Ông Học cho biết: "Lãnh đạo trong DNNN được điều chỉnh theo cơ chế chính sách như công chức Nhà nước. Thế nhưng, khi CPH vừa qua, trong trường hợp DN không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ thì cơ chế lại không tính đến việc giải quyết công việc cho cán bộ lãnh đạo của những DN này".

 

Theo phân tích của ông Học, để giải quyết vướng mắc trên, có những tỉnh, bộ ngành đã có khuynh hướng giữ lại một ít vốn tại DN chỉ để giao nhiệm vụ cho các đồng chí đó tiếp tục làm việc tại DN với tư cách người đại diện vốn Nhà nước. Trong khi đó, không cần thiết phải giữ vốn Nhà nước tại DN đó.

 

"Như vậy, chúng ta gặp tình trạng không CPH triệt để được. Chưa kể, khi vẫn để những đồng chí cũ lãnh đạo DN đó thì việc thay đổi quản trị càng không thực hiện được", ông Học nhận xét.

 

Ông nói tiếp: "Với nhiều trường hợp khác, sau khi chuyển giao vốn cho SCIC và sau khi thoái hết vốn, SCIC lại phải lo công văn việc làm, lo giải quyết chính sách cho các lãnh đạo DN. Như vậy là rất khó".

 

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, tính đến tháng 5, mới chỉ có 29 DNNN đã thực hiện xong cổ phần hoá. So với mục tiêu phải cổ phần hoá 432 doanh nghiệp vào năm 2015, trung bình mỗi năm thực hiện xong ở 216 doanh nghiệp, mỗi ngày cổ phần hoá 1 doanh nghiệp thì kết quả trên là quá khiêm tốn. Thời gian của kế hoạch trên đã đi qua tới 1/4 nhưng số doanh nghiệp cổ phần hoá mới đạt có 6,7%.

 

Theo Phạm Huyền

VEF
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”