Hậu cổ phần hóa, doanh thu các “ông lớn” tăng cả chục lần

(Dân trí) - Sau cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần. Còn Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng lên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần. Thậm chí Petrolimex từ lỗ 1.461 tỷ đồng thì sau cổ phần hóa lợi nhuận lên tới 2.021 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến hết tháng 9/2016 đã có 4.502 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa. Trong đó, có nhiều DNNN quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng được cổ phần hóa.

Điển hình như Ngân hàng BIDV (22.036 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long – MHB (3.074 tỷ đồng); Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (4.300 tỷ dồng); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (10.576 tỷ đồng); Tổng công ty Khí Việt Nam (18.640 tỷ đồng); Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (10.164 tỷ đồng); Tổng công ty Thép Việt Nam (6.524 tỷ đồng), Tổng công ty Cảng hàng không (20.769 tỷ đồng)…

Nhìn chung, hầu hết DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Hầu hết DNNN sau khi cổ phần hóa đều có kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ
Hầu hết DNNN sau khi cổ phần hóa đều có kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ

Bộ Tài chính tổng hợp kết quả hoạt động của 350 doanh nghiệp sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy: So với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%; vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; doanh thu tăng 29%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Điển hình như Công ty CP Giống cây trồng trung ương có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng lên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trước khi cổ phần hóa bị lỗ 1.461 tỷ đồng thì sau cổ phần hóa lợi nhuận là 2.021 tỷ đồng, đã chia được cổ tức cho các cổ đông ngay trong năm đầu là 12,14%.

Riêng đối với những DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong tổng số 131 doanh nghiệp đã có 77 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Bước đầu cổ phần hóa đã mang lại kết quả khả quan.

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, đối với doanh nghiệp cấp, thoát nước, tỷ lệ thất thoát nước bình quân của doanh nghiệp giảm đáng kể (khoảng 15%), thời gian cấp nước trong ngày tăng (khoảng 8,5%); năng suất lao động tăng (từ 8 người/1.000 đầu nối/khách hàng lên 4,5 người/1.000 đầu nối/khách hàng). Lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp tăng khoảng 1,67 lần; thu nhập bình quân của người lao động tăng 1,7 lần (khoảng 7,2 triệu đồng/người/tháng).

Một số doanh nghiệp Nhà nước không còn giữ cổ phần chi phối đã đầu tư mạnh cho việc nâng cấp cơ sở vật chất, công nghệ và mạng lưới cấp thoát nước.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sự ra đời của các công ty cổ phần qua cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển.

Nhìn chung, thông qua cổ phần hóa, Nhà nước có thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; doanh nghiệp có điều kiện để huy động nguồn lực đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; người lao động được quan tâm, bảo đảm quyền lợi, việc làm; nhà đầu tư có thêm cơ hội đầu tư vào DNNN, qua đó phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước.

Bích Diệp