"Chính phủ tiết kiệm từng đồng nhưng cả tỷ tỷ đồng thất thoát trong cổ phần hóa"
(Dân trí) - Khẳng định có tình trạng tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, trong khi Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân thì cả tỷ tỷ đồng thất thoát từ cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào?
Nêu ý kiến tại hội trường Quốc hội chiều nay (2/11), đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, mặc dù chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp (DN) là đúng đắn, nhưng mặt trái của tiến trình này lại là gây thất thoát tài sản công.
"Giá trị đất đai, phần còn lại của DNNN khi thoái vốn đang bị trục lợi", ông Cương nhận xét. Vị đại biểu dẫn chứng, kết luận của Thanh tra Chính phủ gần đây về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là một ví dụ điển hình.
"Một doanh nghiệp cổ phần hóa tiết lộ với tôi, việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN ở địa phương do Sở Tài chính chủ trì. DN được vào thực hiện đánh giá định giá cũng do Sở này lựa chọn, việc định giá trước khi công bố cũng báo cáo Sở. Giả sử DN được định giá 100 tỷ, Sở nói làm gì cao thế, chỉ khoảng 70 tỷ thôi thì DN định giá và DN cũng phải điều chỉnh theo ý Sở, quên đi kết quả mà đã xác định" - đại biểu tỉnh Ninh Thuận cho hay.
Từ câu chuyện nói trên, vị đại biểu đặt câu hỏi: Vậy giá trị vênh ra giữa giá trị thật của DN và báo cáo ai hưởng? Để tìm ra sự thật, ông Cương đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ.
"Chỉ biết rằng chủ trương rất đúng, trục lợi không nhỏ. Nhà nước mất rất nhiều vốn, chỉ cần thanh tra 1 số doanh nghiệp vừa cổ phần hóa là rõ câu trả lời", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định.
Trước đó, nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng cho hay, báo cáo của Chính phủ nêu số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Ông Học quả quyết, "đây là biểu hiện cụ thể của việc có tiêu cực, có thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa DNNN".
"Người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân. Vậy cả tỷ tỷ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào?", ông Học truy vấn.
Đại biểu tỉnh Phú Yên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ để xử lý sai phạm, thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát.
Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) thì bày tỏ, cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh phúc lợi.
Tuy nhiên, ông Quân đề nghị không nên coi một số doanh nghiệp Nhà nước là "con bò sữa" của ngân sách, bởi sau thoái vốn các "con bò sữa" này sẽ cho "sữa" nhiều hơn do hoạt động thường hiệu quả hơn và đóng thuế nhiều hơn.
Đại biểu Hà Nội nhận định, thoái vốn sẽ giúp Nhà nước thế vốn Nhà nước bằng vốn tư nhân trong bối cảnh vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Do đó, để đảm bảo hiệu quả đồng vốn thu được một mặt phải thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, một mặt khác, Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực.
Trong phiên thảo luận chiều qua (1/11), đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) có đưa ra ý kiến cho rằng việc thoái vốn tại DNNN nên có chọn lọc, chưa nên thoái vốn các DNNN có thị phần lớn, có đóng góp ngân sách cao. "Vì sau khi hết sẽ tạo thành khoản hụt thu lớn", đại biểu lo ngại.
Một vấn đề khác được đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đưa ra, đó là theo dự kiến, trong năm 2016 này thu từ công tác cổ phần hóa các DNNN sẽ là 30.000 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này mới thu được 10.000 tỷ đồng, còn lại 20.000 tỷ đồng nữa.
"Không biết từ bây giờ đến hai tháng nữa chúng ta tiến hành cổ phần hóa, chúng ta chào bán lần đầu lên trên sàn hay chúng ta bán như thế nào để chúng ta thu được 20.000 tỷ? Nếu giả sử 20.000 tỷ mà chúng ta không cổ phần hóa được thì lúc đó trách nhiệm thuộc về ai và xử lý vấn đề ngân sách như thế nào", ông Kiên đặt câu hỏi.
Ông Kiên cũng đề nghị, nguồn lực thu được từ cổ phần hóa DNNN cần phải được sử dụng vào danh mục cụ thể cho đầu tư phát triển chứ không hòa chung vào ngân sách rồi dùng để chi tiêu thường xuyên.
Bích Diệp