1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hậu Brexit, đâu sẽ là trung tâm tài chính lớn tiếp theo của châu Âu?

(Dân trí) - Một câu hỏi được giới phân tích đặt ra trong thời gian qua là thành phố nào tại châu Âu có thể thay thế vai trò trung tâm tài chính London khi Brexit đang dần hiện thực hóa?

Thành phố nào tại Châu Âu có thể thay thế vai trò trung tâm tài chính London khi Brexit đang dần hiện thực hóa?
Thành phố nào tại Châu Âu có thể thay thế vai trò trung tâm tài chính London khi Brexit đang dần hiện thực hóa?

Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin, sự kiện Brexit buộc Liên minh châu Âu (EU) phải cân nhắc lại Dự án liên minh thị trường vốn (CMU) quan trọng của mình và khẩn trương tìm cách tạo lập một trung tâm tài chính mới thay thế London.

London (Vương quốc Anh) hiện vẫn là thị trường tài chính lớn nhất của EU. Tuy nhiên, việc nước Anh sẽ rời EU (Brexit) vào năm 2019 đang là thách thức đối với dự án CMU, đã được tiến hành trước thời điểm diễn ra trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6/2016.

Một câu hỏi được giới phân tích đặt ra trong thời gian qua là thành phố nào tại châu Âu có thể thay thế vai trò trung tâm tài chính London khi Brexit đang dần hiện thực hóa?

Theo nhận định tại báo cáo mới nhất của Savills, một số tổ chức thuộc phân khúc dịch vụ tài chính tại London sẽ di chuyển văn phòng, tuy nhiên sẽ không tập trung chỉ tại một thành phố thuộc châu Âu. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính sẽ có các hình thức phân tán, hoặc phân chia các dịch vụ và chức năng khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu tới các thành phố thuộc Châu Âu.

Mỗi thành phố đều có sức hút và điểm mạnh riêng nhưng không thành phố nào có thể mô phỏng hoàn toàn những gì mà London đã đem lại trong suốt gần ba thập kỉ qua. Vậy những thành phố nào sẽ được các khách thuê tài chính ưa chuộng nhất?

Theo Savills, khi nhìn qua, Paris, với quy mô kinh tế và vị thế của mình so với các thành phố khác trên thế giới, có vẻ như là một lựa chọn hiển nhiên. Tuy nhiên, các thành phố có tiềm năng nhỏ hơn. nhưng tập trung hơn có thể sẽ được nhiều ngân hàng và công ty đánh giá cao, đặc biệt khi họ có khả năng thu hút nguồn lực lao động mà họ cần.

Để đánh giá sự phù hợp của những thành phố trên cho các công ty tài chính, chúng tôi xem xét 3 yếu tố chính: khung pháp lý, chính sách thuế và mức độ thuận lợi để kinh doanh; tỷ lệ dân số nói tiếng Anh, điều rất quan trọng trong môi trường thương mại toàn cầu, và sức hấp dẫn về văn hóa của thành phố để thu hút các nhân sự cao cấp của các tập đoàn ngân hàng toàn cầu.

Savills cho rằng, với cách đánh giá này, những thành phố nhỏ hơn như Amsterdam và đặc biệt là Dublin có thể được đánh giá cao hơn, đặc biệt khi so với Paris, nơi mức thuế doanh nghiệp cao hơn 50% so với mức trung bình của một thành phố châu Âu, và chi phí an sinh xã hội cá nhân cao. Những thành phố được đánh giá là có sự nới lỏng của chính quyền trong chính sách thuế cho cả doanh nghiệp và cá nhân, cũng như các luật định về lao động và kinh doanh nhiều khả năng dành được thiện cảm của các công ty trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Dựa trên cơ sở này, danh sách rút gọn của các thành phố tranh tài có thể sẽ bao gồm: Amsterdam – nhờ giá trị văn hóa và sự phổ biến của ngôn ngữ tiếng Anh; Dublin – nhờ khung thuế doanh nghiệp và ngôn ngữ tiếng Anh; Madrid – là một thành phố tầm cỡ thế giới với sức hút mạnh mẽ về văn hóa; Frankfurt – là thành phố dịch vụ tài chính của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB); hay Paris – nhờ quy mô kinh tế và vị thế so với các thành phố khác trên thế giới.

Trong số những thành phố kể trên, mặc dù có diện tích nhỏ, Dublin và Amsterdam lại tỏ ra phù hợp trong việc thu hút những nhà cung cấp dịch vụ tài chính khi họ cần một số lượng lớn người nói tiếng Anh và muốn luân chuyển nhân viên của mình đến những nơi mà ngôn ngữ kinh doanh quốc tế thường xuyên được sử dụng. Khả năng đối thoại của nguồn lao động địa phương với các chi nhánh khác và các trung tâm tài chính trên khắp thế giới sẽ đóng một vai trò rất quan trọng.

Trong khi đó, sự hấp dẫn văn hóa dường như là một yếu tố khá bí ẩn để có thể thêm vào sự đánh giá về các thành phố tiềm năng dành cho lĩnh vực tài chính. Với thước đo này, Paris là thành phố duy nhất có khả năng gần sánh bằng London. Tuy vậy, Amsterdam và Madrid cũng là các đối thủ đáng gờm về sự tương tác văn hóa. Frankfurt là thành phố duy nhất tỏ ra yếu kém dựa trên phép đánh giá này, nhưng nơi đây được đánh giá cao về chất lượng cuộc sống gắn liền với chất lượng môi trường tốt.

Tuy nhiên, khi kết hợp tất các thước đo và cân nhắc thêm cả quy mô của nền tài chính, London rõ ràng vẫn là thành phố hấp dẫn nhất dành cho lĩnh vực này.

"Nếu các định chế tài chính bắt buộc phải cân nhắc việc chuyển dời một phần tổ chức của mình tới các quốc gia thuộc EU, một vài thành phố nhỏ như Amsterdam hoặc Dublin có thể sẽ là điểm đến hấp dẫn và hữu ích cho lĩnh vực dịch vụ tài chính. Điều này có thể đồng nghĩa với việc London sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm tài chính của thế giới nhưng sẽ song hành cùng với các thành phố khác nhỏ hơn ở châu Âu, nơi sẽ đóng vai trò trung chuyển", Savills nhìn nhận.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm