Long An:

Hành trình thành “tỉ phú dế" của một lão nông

(Dân trí) - Từ một lão nông nghèo “rớt mồng tơi”, ông Dũng nay được mọi người gọi là "tỉ phú dế”. Mỗi năm trang trại của ông cung ứng ra thị trường hơn 70 tấn dế với thu nhập hơn 1 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

nuoide1-1455329708446

Ông Trương Thanh Dũng bên mô hình nuôi dế bạc tỉ của mình

Cách đây 10 năm, ông Trương Thanh Dũng (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An) chỉ là lão nông dân “quèn” với công việc đồng ruộng. So với bà con hàng xóm lúc bấy giờ, ông còn được xếp vào hạng “nghèo rớt mồng tơi”. Với ước mơ đổi đời, ông Dũng quyết định mua sách, báo về đọc để tìm hiểu hình thức kinh doanh. Sau nhiều ngày tìm tòi, ông vô tình đọc được cách nuôi dế, nghĩ đây là một mô hình thích hợp và thuận tiện với một người nông dân như mình nên ông Dũng đã lập kế hoạch để đầu tư.

Bạn đọc có thắc mắc hay cần tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, hãy gửi đến cho chúng tôi: kinhdoanh@dantri.com.vn

“Đầu tiên tôi chỉ nuôi thử vài con coi sao. Sau một thời gian thấy đây là một hình thức kinh doanh có thể làm giàu nên tôi đi vay mượn khắp nơi để đầu tư. Vì không có nhiều tiền nên tôi đầu tư từ nhỏ rồi lớn dần. Vừa làm tôi vừa tìm đến các nhà hàng, quán nhậu để mở rộng đầu ra. Nhận thấy nhu cầu ăn dế ngày càng tăng nên tôi càng mạnh dạn đầu tư. Đến nay, tôi đã đầu tư hết diện tích khoảng 600m2 đất của gia đình với tổng chi phí khoảng 700 triệu đồng, hiện mỗi năm tôi bán ra thị trường khoảng 60 triệu con dế (tương đương gần 70 tấn) với thu nhập hơn 1 tỉ đồng”, ông Dũng chia sẻ.


Dễ nuôi khá dễ và cho hiệu quả kinh tế cao

Dễ nuôi khá dễ và cho hiệu quả kinh tế cao

Ngoài ra, ông Dũng cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. “Tuy mô hình còn nhỏ và nhiều hạn chế nhưng nó giúp tôi cải thiện đời sống rất nhiều. Nhiều người gọi tôi là tỉ phú dế nhưng tôi chỉ cười. Tôi thấy đây là mô hình đầu tư khá tốt và nhu cầu ngày càng cao, nếu những người nông dân có nhiều diện tích đất không canh tác có thể áp dụng mô hình này để làm giàu”, ông Dũng thông tin.

Theo ông Dũng, nuôi dế cũng khá dễ dàng so với các loại côn trùng khác, dế ít bệnh tật nên ít rủi ro, thời gian thu hoạch cũng ngắn. Khi đầu tư, người nuôi chỉ cần đóng thùng nuôi dế quy cách khoảng 1,5m x 2m x 1,2m đóng bằng gỗ, thành thùng là lớp nhựa bóng để dế không trèo ra ngoài. Dế mới nở vài tuần nhỏ như con ruồi nhưng chỉ sau 45 - 50 ngày là có thể thu hoạch. Thức ăn cho dế là cám, xáp bia, cỏ.

Tỷ lệ dế trống và mái là 50/50, tất cả dế mái đều ôm trứng, trọng lượng trứng nặng hơn phần thịt dế. Dế thành phẩm 1kg dế trống khoảng 1.000 con, dế trứng khoảng 700 con.

Một công nhân thu hoạch dế
Một công nhân thu hoạch dế

Sau khi thu hoạch dế, dế được làm sạch rồi cho vào túi 100gram hút chân không, đóng hộp 5 túi (0,5kg) và trữ đông để cung ứng ra thị trường. Ngoài thị trường trong nước, một số khách hàng ở Mỹ, Hàn Quốc, Pháp cũng mua mang về nước theo dạng “quà xách tay”. Hiện Thái Lan, Campuchia, Lào hay Myanmar đều đã phát triển rất tốt ngành nuôi côn trùng làm thực phẩm cung ứng cho nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu.

Dế có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng, món đơn giản nhất là dế chiên nước mắm. Có thể ăn kèm bánh tráng nước, hoặc bánh tráng rau sống chấm nước mắm chua ngọt. Dế trứng có phần bụng toàn trứng, rất béo nên khi chiên lên ăn rất ngon và ngậy. Ngoài ra, dế còn chế biến thành nhiều món xào, nướng, hấp tùy theo từng nhà hàng chế biến. Món ăn từ dế và côn trùng nói chung được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rất thích vì côn trùng chứa nhiều đạm và các khoáng chất có lợi cho cơ thể con người.

Dế có thể chế biến thành nhiều món ăn
Dế có thể chế biến thành nhiều món ăn

Ông Dũng cho biết, giá thành mỗi kg dế giống chỉ khoảng 30.000 - 50.000 ngàn đồng. Người nuôi dế sau xuất trại bán khoảng 100.000 đồng/kg dế trống, 180.000 đồng/kg dế trứng. Trong khi đó, nhà hàng tính món này khá đắt, đĩa dế một lạng (70 - 100 con) khoảng 100.000 đồng.

“Hiện tại, dế tại Việt Nam chủ yếu phục vụ cho dân nhậu. Nếu xem dế là một món ăn hàng ngày thì nghề nuôi dế sẽ rất phát triển vì dế cực kỳ dễ nuôi. Tôi thấy đây là mô hình làm giàu khá thích hợp cho bà con ở các vùng quê. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nếu bà con nào cần chỉ dẫn”, ông Dũng nói.

Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trong thành phần protein của dế còn có chứa một loại acidamin không thay thế như: cysteine và methionine. Hàm lượng chitin của dế trưởng thành chiếm 8,7% có chất lượng tốt hơn so với chitin của tôm và cua.

Xuân Hinh

Hành trình thành “tỉ phú dế" của một lão nông - 5