Hành động vì phát triển bền vững – Nếu chúng ta không bắt đầu, ai sẽ bắt đầu?
(Dân trí) - Đó là câu nói đầy cảm hứng của bà Pamela Phua, Tổng giám đốc công ty AkzoNobel Việt Nam, trong buổi chia sẻ với các bạn trẻ tham gia chương trình Orange Asian Factory 2019 được tổ chức tại văn phòng AkzoNobel.
Những thách thức toàn cầu - ai sẽ tiên phong hành động?
Gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang là những bài toàn khó giải của toàn cầu. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới năm 2017 khoảng 7,5 tỷ người, dự đoán sẽ đạt đến 8 tỷ người năm 2023 và 10 tỷ người năm 2056.
Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn, nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng từ 1,4 độ đến 5,8 độ từ 1990 đến 2100 kéo theo những nguy cơ ngày càng sâu sắc đối với chất lượng sống của con người. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc cũng dự đoán môi trường không khí sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng đe dọa đến cuộc sống của con người và cả giới động, thực vật.
Chia sẻ với các sinh viên và doanh nghiệp trẻ trong chương trình Orange Asean Factory 2019, bà Pamela Phua cho biết trong những năm gần đây, công ty dành 90% đầu tư để nghiên cứu và phát triển những giải pháp hướng đến giải quyết các vấn đề bền vững. Bà nhấn mạnh, giải quyết các vấn đề bền vững thông qua hoạt động kinh doanh là một việc làm cấp thiết dù có nhiều khó khăn và tốn kém, tuy nhiên “nếu chúng ta không bắt đầu, thì liệu ai sẽ bắt đầu?”.
Phát triển tư duy bền vững từ thế hệ trẻ
Trong ba tuần của chương trình, 24 bạn trẻ cùng làm việc trong sáu nhóm để thảo luận, giải quyết sáu vấn đề đang là thách thức môi trường, được đưa ra trong bài trình bày của những công ty tiên phong về phát triển bền vững trong các lĩnh vực.
Cụ thể, Công ty Unilever giới thiệu giải pháp vệ sinh trường học gắn với các sản phẩm vệ sinh gia đình của công ty (Vim) và giải pháp cho mục tiêu không tạo ra rác thải trong nhóm ngành tiêu dùng nhanh vào năm 2025. Công ty Philips đặt vấn đề tái chế các thiết bị y tế ở bệnh viện và cá nhân tại Việt Nam.
Công ty khởi nghiệp Clean Dye cần đặt ra yêu cầu thay đổi hoàn toàn để hướng tới ngành dệt may xanh, không sử dụng hóa chất nhuộm vải và nước. Công ty thức ăn chăn nuôi De Heus hướng tới sản xuất bền vững trong ngành thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Hai công ty De Heus và DSM chuyên về giải pháp dinh dưỡng cần giải pháp thay thế cho bao bì thức ăn chăn nuôi.
Anggit, một khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực Renewable Energy từ Indonesia, cho biết: “Đến với chương trình này, tôi thực sự thấy thú vị khi tiếp thu được rất nhiều kiến thức để mang về áp dụng cho chính công ty của mình. Không những vậy, sự kết nối giữa những thành viên từ các quốc gia khác nhau đã giúp tôi pháp huy tối đã khả năng tư duy và sáng tạo ra giải pháp của mình”.
Cảm hứng và tư duy giải pháp này là kết quả mà ban tổ chức chương trình mong đợi. Đại diện đơn vị chủ trì, bà Pamela Phua nói: “AkzoNobel đã có nhiều sản phẩm và dịch vụ bền vững, đồng thời không ngừng hợp tác với các đơn vị khác để nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đó chỉ là phần ngọn, gốc rễ sâu xa của vấn đề nằm ở giới trẻ, những người sẽ dẫn dắt nền kinh tế của chúng ta trong những năm tới. Đồng hành với Orange Asean Factory mùa thứ 6, chúng tôi hy vọng sẽ định hướng tư duy phát triển bền vững cho họ, từ đó hướng họ đến những đóng góp nhiều ý nghĩa hơn cho Việt Nam và khu vực”.
Theo bà Pamela Phua, Tổng Giám đốc của AkzoNobel Việt Nam, AkzoNobel không chỉ cung cấp các sản phẩm bền vững mà còn mong muốn xây dựng một doanh nghiệp bền vững trong một nền kinh tế và cộng đồng bền vững mà tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Việc đồng hành và chủ trì chương trình này là một phần của AkzoNobel Cares, một sáng kiến tập hợp tất cả các chương trình vì cộng đồng công ty đang thực hiện trên toàn cầu.
Trong Orange Asian Factory 2019, bà Pamela cũng có một buổi chia sẻ về chiến lược phát triển bền vững của AkzoNobel. Với triết lý “Bền vững là kinh doanh, kinh doanh cũng chính là bền vững”, AkzoNobel đang không ngừng sáng tạo thêm nhiều biến đổi nhằm mở rộng chia sẻ giá trị cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công ty cũng đặt mục tiêu cải thiện việc sử dụng nhiên liệu sao cho hiệu quả hơn 25-30% vào năm 2020. Đặc biệt, trên 80% nhân viên toàn công ty cam kết thực hiện chiến lược phát triển bền vững toàn diện.
Nhằm tạo thêm động lực cho các bạn trẻ tìm ra giải pháp bền vững, bà Pamela giới thiệu nhiều tính năng cải thiện môi trường của các sản phẩm sơn AkzoNobel như công nghệ Photocatalysis giúp hấp thụ ánh sáng, phản ứng lại bằng khí oxy và độ ẩm góp phần giảm bớt khí thải độc hại từ phương tiện giao thông; tính năng chống nước; công nghệ KeepCoolTM phản ứng lại với ánh sáng giúp tòa nhà giảm đến 5 độ, làm dịu và mát hơn trong thời tiết nóng bức.
Trong khuôn khổ chương trình, các bạn trẻ có một chuyến tham quan thực tế nhà máy của AkzoNobel tại Bình Dương. Đây là nhà máy sản xuất sơn lớn & hiện đại nhất Đông Nam Á. Nhà máy có công suất lên đến 90 triệu lít/năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn tham gia xuất khẩu. Ngoài quy trình hiện đại, nhà máy còn gây ấn tượng lớn với những bạn trẻ tham quan với độ an toàn cao và công nghệ sản xuất đảm bảo ít tác động tới môi trường, đáng chú ý nhất là nhà máy xử lý nước thải trị giá đến 700.000$ với mức xả chất có hại ở mức rất thấp.