1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hãng xe chuyển từ "tay buôn" sang lắp ráp: Kỳ vọng giá xe giảm sâu?

(Dân trí) - Việc Chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước khiến nhiều mẫu xe nhập lên kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam. Tín hiệu mừng cho ngành ô tô và là cơ hội giảm giá xe sắp tới?

Từ Toyota Fortuner đến Honda CRV

Giữa năm 2017, Toyota Việt Nam dừng sản xuất, lắp ráp mẫu Fotuner tại Vĩnh Phúc để chuyển sang nhập khẩu dòng xe này tại Indonesia. Sự thay đổi của Toyota khiến số thu ngân sách của Vĩnh Phúc suy giảm mạnh.

Hãng xe chuyển từ tay buôn sang lắp ráp: Kỳ vọng giá xe giảm sâu? - 1

Từ Toyota, nay đến Honda CRV, Mitsubishi Xpander đều được lên kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam do Chính phủ bỏ thuế nhập linh kiện và thị trường xe Việt sắp bùng nổ 

Đồng hương của Toyota là Honda cũng vậy, hãng xe này cuối năm 2017 cũng từ bỏ lắp ráp hai mẫu xe ăn khách nhất của mình tại Việt Nam là CRV và Civic để chuyển sang nhập khẩu tại Thái Lan.

Nguyên nhân của việc Toyota và Honda lần lượt rời bỏ mảng lắp ráp hai dòng xe ăn khách nhất để chuyển sang nhập khẩu do lo ngại dòng xe này không cạnh tranh được với xe nhập không thuế. Đồng thời, các hãng xe này cũng có ''chân lắp ráp" - "chân nhập khẩu" nên muốn tối ưu hóa doanh số và lợi nhuận, giảm lắp ráp tại nơi có chi phí cao để dồn sức vào nơi có chi phí thấp hơn, cạnh tranh hơn.

Trong rất nhiều báo cáo tại các kỳ họp của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tổ công tác về công nghiệp ô tô tại Việt Nam đều khẳng định chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn từ 20% so với chi phí sản xuất từ các nước trong khu vực. Chính vì vậy, đây là nguyên nhân khiến hầu hết các doanh nghiệp lắp ráp xe rút dần các mẫu lắp ráp ở Việt Nam khi thuế nhập khẩu được bãi bỏ.

Xe "hot" quay lại Việt Nam - gió đổi chiều!

Thực tế không phải năm nay, các nhà sản xuất, liên doanh xe hơi tại Việt Nam mới lắp ráp sản xuất xe tại Việt Nam mà xu hướng lắp ráp thay nhập khẩu đã có từ năm 2018- 2019.

Cụ thể, trường hợp của Hyundai Thành Công, trước đây, các mẫu xe như i10 chỉ được lắp ráp 1 phần, còn chủ yếu nhập từ Ấn Độ, mẫu Tucson, SantaFe chủ yếu được nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, từ cuối 2018 đầu 2019, gần như xe dưới 9 chỗ của Hyundai được lắp ráp tại Việt Nam (chỉ trừ Palisade). Việc nhập gần như toàn bộ linh kiện, lắp ráp tại Việt Nam đã giúp các mẫu xe của hãng này giảm mạnh tại Việt Nam và giúp tăng sức cạnh tranh với các mẫu xe nhập khẩu tương tự.

Hãng xe chuyển từ tay buôn sang lắp ráp: Kỳ vọng giá xe giảm sâu? - 2

Tín hiệu tốt cho ngành xe hơi Việt Nam kh nhiều mẫu xe "hot" được các hãng lắp ráp thay vì nhập khẩu như thời gian trước

Mitsubishi cũng không nằm ngoài xu hướng ấy, Outlander năm 2018 có doanh số bán rất cao, mẫu xe nhập Nhật lập tức được hãng chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam và đến nay một thương hiệu thứ 2 cực kỳ ăn khách là Xpander (nhập từ Indonesia) đang trong quá trình lắp ráp tại Việt Nam.

Hai mẫu Toyota Fortuner và Honda CRV quay trở lại lắp ráp tại Việt Nam cho thấy việc giảm thuế phí đã và đang tác động trực tiếp đến lợi ích của các hãng, buộc các hãng xe này phải thay đổi cách thức kinh doanh và hướng tiếp cận thị trường.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, trong đó bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư và nguyên liệu để lắp ráp xe hơi trong nước. Chính sách này đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp Việt và liên doanh đẩy mạnh lắp ráp trong nước.

Bên cạnh việc bỏ thuế nhập linh kiện, tại Nghị quyết số 84/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.

Với định hướng chính sách này của Chính phủ, chi phí sản xuất cho xe hơi trong nước sẽ giảm đáng kể, điều này giúp doanh nghiệp xe tại Việt Nam lợi thế hơn so với xe nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc giảm giá xe trong thời gian sắp tới vẫn là câu chuyện bỏ ngỏ bởi còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chính sách của các hãng, ràng buộc chính sách và sự cạnh tranh các các hãng xe trên thị trường.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm