Hàng triệu cử nhân Trung Quốc “xếp xó” tấm bằng tốt nghiệp vì Covid-19
(Dân trí) - Có đến 8,74 triệu cử nhân Trung Quốc sau khi tốt nghiệp ra trường trong năm 2020 đang đối mặt với thất nghiệp do những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Theo một báo cáo mới đây về triển vọng việc làm dành cho sinh viên vừa tốt nghiệp ở Trung Quốc, công tác tuyển dụng trong các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, sản xuất, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đang chứng kiến sự giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước đây do những hậu quả nặng nề đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi đó, các ngành như chăm sóc sức khỏe, đào tạo từ xa và pháp lý chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 ít hơn, và số lượng việc làm được tuyển dụng cũng đang duy trì ở mức ổn định.
Bản phân tích này cũng đã chỉ ra sự thiếu hụt nhân tài trong các lĩnh vực đặc thù về giao thông vận tải, truyền thông và giáo dục.
Đại dịch Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm ngoái đã nhanh chóng lan rộng ra và trở thành một đại dịch toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi GDP quý I năm nay giảm tới 6,8%.
Trong khi giới chức nước này tỏ ra lạc quan về khả năng phục hồi vượt bậc, thì họ vẫn còn rất lo ngại về sự lan rộng của đại dịch này. Đặc biệt khi có hàng trăm nghìn thậm chí đến hàng chục triệu cử nhân đại học tốt nghiệp tại nước ngoài đang quay trở lại để tìm kiếm việc làm.
Theo bà Zhang chia sẻ, chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục bổ sung các chính sách hỗ trợ lao động kịp thời, bao gồm việc mở rộng việc thuê sinh viên ra trường vào các tập đoàn nhà nước, và con số này có thể lên tới 2,8 triệu cử nhân.
Vào đầu tháng, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 20-24 có bằng đại học đã cao hơn 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị là 5,4%.
Hàng triệu cử nhân tốt nghiệp nước ngoài hồi hương
Hồi đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dự đoán Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm nay. Cùng lúc đó, sự siết chặt đối với việc đi lại xuyên biên giới và du học, đặc biệt đối với người Trung Quốc ở Mỹ, đang tạo ra làn sóng hồi hương của sinh viên Trung Quốc trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Theo một nghiên cứu do LinkedIn và CCG thực hiện với hơn 218.000 sinh viên tốt nghiệp trong giai đoạn 2014-2019 từ 10 trường đại học hàng đầu Trung Quốc cho thấy, có khoảng 70% sinh viên lựa chọn đi du học. Đặc biệt, 80% trong số họ đã quay trở lại làm việc trong nước. Sự lựa chọn hàng đầu của các cử nhân này là Huawei, tiếp đến chính là Tencent và Microsoft.
Miao Lu, nhà đồng sáng lập và phó chủ tịch CCG, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC rằng: “Sẽ có ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp tại nước ngoài trở về. Để trở về Trung Quốc kiếm việc làm, những sinh viên này đã họ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, mặc dù có những cơ hội trong các ngành công nghiệp mới xuất hiện kể từ sau đại dịch Covid-19.”
Những sự lựa chọn “khác”
Đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước, họ đang gặp phải khó khăn trong vấn đề tìm việc làm kể từ khi dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế. Nhiều người buộc "xếp xó" bằng đại học để tìm đến các công việc chân tay, trong khi một số người chuyển hướng sang kinh doanh các loại hàng đã nổi lên trong nước sau đại dịch Covid-19
Nền tảng giao hàng Meituan cho biết trong một báo cáo vào tháng 7 rằng, trong nửa đầu năm, 2,8% nhân viên giao hàng của họ là sinh viên mới tốt nghiệp, với 20,5% có ít nhất bằng cử nhân. Trong tổng số tài xế, gần 1/4, tương đương 24,7%, có bằng cấp từ một cơ sở giáo dục, bao gồm cả các trường dạy nghề, tăng từ 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt hơn nữa, Cainiao, chi nhánh hậu cần của Alibaba cho biết, vào tháng 3 và tháng 4, hơn một nửa số quản lý tham gia hàng chục nghìn trạm nhận gói hàng mới của họ là các doanh nhân cá nhân, bao gồm các doanh nghiệp hộ gia đình và sinh viên đại học. Một nửa còn lại chuyển từ các doanh nghiệp chuyển phát nhanh truyền thống, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng tạp hóa nhỏ khác, công ty cho biết.