Hà Tĩnh:

Hàng trăm tiểu thương nghỉ bán “trốn” phạt thiếu hóa đơn, chứng từ?

(Dân trí) - Trong sáng 22/9, hàng trăm hộ kinh doanh tại khu vực đình chợ TP Hà Tĩnh đồng loạt nghỉ bán sau khi có thông tin Ban Quản lý thị trường Hà Tĩnh xử phạt các hộ kinh doanh không có chứng từ, chứng nhận được nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn mua, bán hàng.

Sáng 22/9, nhiều người dân đi mua sắm tại  khu vực trong đình chợ thành phố Hà Tĩnh ngỡ ngàng khi gần như 100% ki ốt tại khu vực này đều đống cửa im lìm. Hành lang, lối đi tại khu vực tăng 1 và tầng 2 đều tối om. Chỉ có lác đác 1 vài chủ thương đứng trông bên ngoài quầy hàng vẫn đóng kín mít.

Các cửa hàng trong khu vực đình chợ TP Hà Tĩnh đóng cửa trong sáng 22/9
Các cửa hàng trong khu vực đình chợ TP Hà Tĩnh đóng cửa trong sáng 22/9

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Công chức nào đủ điều kiện vay 2 tỷ mua nhà?
* Putin hô, Medvedev ứng: Nước Nga về đâu?
* Lãng quên “cuộc chơi” tín dụng cá nhân?
* Apple "hí hửng" vì doanh số iPhone mới lập kỷ lục 10 triệu chiếc
* Nhiều dự án giao thông trọng điểm ở TP. Hồ Chí Minh “trễ hẹn”
* 2 phút, 9 con cá và cơ hội tỷ đô
* “Mặc cả” lãi suất cho vay

Theo thông tin từ các chủ ki ốt cho biết: trong vòng 2 tháng gần đây, Ban quản lý thị trường Hà Tĩnh đã có thông báo về việc xử lý các trường hợp kinh doanh không có chứng từ chứng nhận xuất xứ của sản phẩm và hóa đơn đỏ mua bán hàng. Đặc biệt, từ ngày 17/9, Ban QLTT đã tiến hành xử phạt, tịch thu hàng hóa đối với 1 số hộ kinh doanh vi phạm.
 
Lo ngại về vấn đề này nên hơn 700 ki ốt kinh doanh tại đây đã đồng loạt nghỉ bán để “trốn” xuất trình hóa đơn đỏ và các chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bởi thực tế rằng 100% hộ kinh doanh tại đây đều không có những giấy tờ này.
 
Bà Thái Thị Chi (chủ một ki ốt vải, tại khu vực tầng 1) cho biết: Chủ trương trên là đúng nhưng cái bất cập ở chỗ, chúng tôi buôn bán nhỏ lẻ, vốn ít, hàng hóa mua không nhiều, nên khi đi lấy hàng buộc nơi xuất hàng viết cho cái hóa đơn là rất khó.

Các cửa hàng trong khu vực đình chợ TP Hà Tĩnh đóng cửa trong sáng 22/9
Nhiều gan hàng ngoài trời cũng đóng cửa để "trốn" xuất trình hóa đơn và chứng từ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Hiện nay, nguồn hàng của tiểu thương chủ yếu là lấy đầu mối chủ yếu là tại chợ Vinh (Nghệ An), các mặt hàng như: quần áo, giày dép lấy từ nhiều địa điểm, mỗi nơi có khi số lượng chỉ từ 2 đến 3 cái rất khó có hóa đơn. Khi chúng tôi hỏi thì người bán cũng không có, hoặc có hỏi thì chủ hàng trả lời rằng – muốn mua thì mua không mua thì thôi. Nhưng không mua thì chúng tôi cũng không biết lấy nguồn hàng từ đâu”.

Các cửa hàng trong khu vực đình chợ TP Hà Tĩnh đóng cửa trong sáng 22/9
Theo các tiểu thương và BQL chợ thì 100% ki ốt tiểu thương tại đây không có hóa đơn và chứng từ xuất xứ

Chị Nguyễn Thị Liên – chủ quầy hàng tập hóa phản ảnh thêm: “Muốn chúng tôi có hóa đơn chứng từ, nhưng từ khi nhỏ đến nay chúng tôi cũng chưa thấy mẫu như thế nào. Còn hóa đơn xuất ra, chúng tôi cũng không biết mua ở đâu, cách thức như thế nào. Phần lớn dân trí bà con trong chợ thấp nên chúng tôi yêu cầu cần có cán bộ cơ quan liên ngành xuống để phổ cập cho chúng tôi rõ hơn về những vấn đề này”.

Được biết, hiện nay có đến 90% hàng hóa bày bán tại chợ Hà Tĩnh là hàng Trung Quốc không có hóa đơn xuất xứ đầu vào. Nhiều tiểu thương cho rằng  nếu muốn có chứng từ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh hàng trôi nổi thì trước hết phải chặn từ “gốc”, tức là tại các cửa khẩu, nơi xuất hàng về. 

Bà con tiểu thương nghỉ bán  
Bà con tiểu thương nghỉ bán  
Bà con tiểu thương nghỉ bán  

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khoa – đội trưởng đội số 1 Chi cục QLTT Hà Tĩnh cho biết, việc siết chặt kiểm tra hóa đơn các hộ kinh doanh thực hiện theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với các tiểu thương buôn bán có vi phạm các điều khoản nghi rõ trong nghị định.  Trước khi tiến hành các hình thức xử phạt thì trước đó, chúng tôi đã gửi các thông báo xuống từng hộ kinh doanh tuyên truyền về vấn đề này.

Sau khi xảy ra sự việc trên, trong chiều ngày 22/9, Ban Quản lý chợ Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp giữa các tiểu thương và các cơ quan liên quan để giải quyết với tiểu thương về vấn đề này.

Bà con tiểu thương nghỉ bán  
Hằng trăm chủ ki ốt đã bày tỏ tâm tư và kiến nghị tại cuộc hợp với cơ quan liên ngành trong chiều 22/9

Tại cuộc họp, ông Lương Quốc Tuấn – phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh trả lời: Luật đã có từ năm 2006, nhưng đến nay mới thực hiện là chậm nhưng người dân vẫn chưa nắm được hết thông tin, thì chúng tôi xin thừa nhận cơ chế tuyền truyền vẫn chưa sâu chưa sát nên dẫn đến tình trạng trên. Những ý kiến của người dân chúng tôi sẽ kiến nghị lên cấp trên, nhưng đồng thời cũng sẽ chuẩn bị lộ trình để tiến hành kiểm tra về hóa đơn, chứng từ xuất xứ hàng hóa trên thị trường.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Cự Dũng – phó GĐ Sở Công thương, Chi cục trưởng chi cục QLTT Hà Tĩnh cũng đã khẳng định: Hiện tại, với những kiến nghị trên của bà con tiểu thương, ban QLTT sẽ chưa tiến hành xử phạt đối với các hộ kinh doanh chưa có hóa đơn, chứng từ xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên đối với các trường hợp chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh, hàng hóa không nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm và niêm yết giá… sẽ bị xử lý nghiêm. Và sẽ có thông báo với từng hộ trước 3 ngày chúng tôi kiểm tra.

Được biết, hiện nay tại khu vực chợ Hà Tĩnh (trong và ngoài đình) có đến hơn 1.200 hộ kinh doanh nhưng chỉ có 702 hộ có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Phượng Vũ
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”