Hàng trăm thắc mắc về vay mua nhà, ô tô đã được giải đáp

(Dân trí) - Nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về hình thức cho vay tiêu dùng mới này, Báo Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Giải đáp những vướng mắc về Vay tài chính tiêu dùng” vào lúc 14h ngày 26/10/2015.

Hơn 2 giờ diễn ra cuộc giao lưu trực tuyến “Giải đáp những vướng mắc về Vay tài chính tiêu dùng", các chuyên gia Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO đã trực tiếp giải đáp gần 100 câu hỏi của độc giả Dân trí. Còn hàng trăm câu hỏi khác tiếp tục được gửi đến trong suốt quá trình diễn ra cuộc giao lưu nhưng do hạn chế về thời lượng buổi làm việc, các chuyên gia chưa thể trực tiếp giải đáp.

Cám ơn quý độc giả đã tham gia buổi tư vấn trực tuyến hôm nay và cảm ơn ba vị chuyên gia đã phối hợp với ban biên tập của Dân trí trả lời các câu hỏi tư vấn về chủ đề "Vay tiêu dùng cá nhân".

Mời độc giả theo dõi buổi giao lưu TẠI ĐÂY

Hàng trăm thắc mắc về vay mua nhà, ô tô đã được giải đáp

Nguyễn Hoàng (Nam, 25 tuổi)

Tôi có nhu cầu mua tiêu dùng các sản phẩm điện tử (ví dụ như smartphone) giá khoảng 15 triệu. Tôi thấy các cửa hàng điện thoại bây giờ đều có các chương trình ưu đãi mua trả góp với lãi suất hấp dẫn. Vậy vui lòng cho tôi biết chi tiết sự khác nhau và thiệt hơn giữa vay tài chính tiêu dùng và mua trả góp trong trường hợp của tôi. Xim cảm ơn!

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Thực ra vay trả góp hay vay tiêu dùng để mua điện thoại đó là giống nhau. Tuy nhiên, thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi không thể nói rõ thiệt hơn trong tình huống này. Bạn có thể so sánh theo cách sau:

- Giá của smartphone bạn trả ngay bằng tiền mặt thì giá là bao nhiêu, trường hợp mua trả góp thì giá cuối cùng của nó là bao nhiêu, thời hạn bạn phải trả góp là bao lâu. Lấy giá sau cùng theo trả góp trừ đi giá mua bằng tiền mặt, đấy chính là phần lãi suất mà bạn phải trả cho hình thức mua trả góp.

- Nếu bạn đã có một phần tiền mặt còn lại bạn có thể vay của các công ty tài chính tiêu dùng để thanh toán cho chiếc smartphone thì bạn sẽ tính ra lãi suất mà bạn phải trả cho công ty tài chính tiêu dùng trong suốt thời gian vay.

So sánh giữa hai kết quả này cũng như các thủ tục của hai bên thì bạn sẽ nhận thấy rất rõ lợi ích của bên nào tốt hơn để bạn lưa chọn.

Quốc Khánh (Nam, 55 tuổi): Tôi xin có câu hỏi, thứ nhất, nên vay tiêu dùng của công ty tài chính hơn hay của các ngân hàng thuơng mại hơn? Thứ hai, điều gì cần chú ý nhất trong bản hợp đồng vay? Thứ ba, nên vay thời hạn bao lâu thì hợp lý và có lợi nhất đối với nguời vay?

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO:

Thứ nhất, vay ở đâu phụ thuộc vào sự thuận tiện của khách hàng và việc chấp nhận cơ chế, điều kiện vay vốn. Vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại thường phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, phức tạp hơn nên lãi suất thường thấp hơn so với công ty tài chính.

Khi vay tiêu dùng, cần chú ý vào mức lãi suất, các khoản phí và các điều kiện trả nợ khác.

Mặt khác, thời hạn vay càng ngắn càng tốt, nếu vay dài thì lãi suất sẽ cao hơn và rủi ro về lãi suất và trả nợ cũng lớn hơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ.

Ngô Thanh Quý (Nam, 27 tuổi)

Hiện nay, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, vay mua sắm với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa của Ngân hàng Nhà nước quy định rất nhiều tại sao không bị xử phạt? Cụ thể có công ty cho vay mua sắm bằng hình thức trả góp với lãi suất lên đến 40% / năm.

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước:

Các công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất lên đến 40%/năm mà không bị xử phạt là vì họ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 2, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 12 của NHNN hướng dẫn về việc thực hiện lãi suất thoả thuận trong cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Có thể có một số ý kiến viện dẫn điều khoản tại Bộ Luật Dân sự để cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng hoặc các ngân hàng thương mại không được cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố thì cho rằng mức lãi suất lên đến 40%/năm là vi phạm quy định của pháp luật. Các ý kiến này không đúng vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản quy phạm pháp luật của cùng một cơ quan ban hành nếu có quy định cùng về một vấn đề thì sẽ áp dụng văn bản được ban hành sau. Trong khi bộ luật Dân sự được Quốc hội ban hành năm 2005, Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 1/1/2011.

Nguyễn Văn Mạnh (Nam, 32 tuổi)

Nếu một người trong gia đình có rơi vào nợ xấu nhóm 4 thì các thành viên khác trong hộ khẩu có bị ảnh hưởng khi vay vốn không? Xin cảm ơn.

Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO:

Theo quy định của pháp luật, thì khoản nợ của cá nhân này, không liên quan đến khoản nợ của cá nhân khác trong gia đình hoặc có cùng hộ khẩu, nếu như đó là các giao dịch vay vốn độc lập. Tuy nhiên, nếu việc vay vốn với tư cách là của hộ gia đình hoặc các thành viên trong hộ gia đình có mối quan hệ mật thiết với nhau như vợ chồng chẳng hạn, thì sẽ bị xem xét, đánh giá chung, vì là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay.

Vài năm trở lại đây, xu hướng vay tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng, trung bình khoảng 20%/năm. Với thủ tục vay đơn giản (không cần chứng minh thu nhập, kê khai đơn giản chỉ vỏn vẹn trong một trang giấy A4…), hình thức vay tiêu dùng cá nhân qua các công ty tài chính đang được đánh giá là thuận tiện và nhanh chóng hơn vay qua ngân hàng.

 


Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi của độc giả

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi của độc giả

Nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về hình thức cho vay tiêu dùng mới này, Báo Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Giải đáp những vướng mắc về Vay tài chính tiêu dùng” vào lúc 14h ngày 26/10/2015. Chương trình có sự tham gia của 3 vị khách mời, gồm:

1. Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

2. Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO.

3. Ông Nguyễn Quang Đông – Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông, Công ty tài chính TNHH HD SAISON.

Trong khuôn khổ buổi giao lưu trực tuyến, các chuyên gia sẽ giúp cho độc giả hiểu rõ hơn vay tiêu dùng tài chính là gì; Điều kiện, thủ tục vay; Phân biệt vay tiêu dùng của công ty tài chính và ngân hàng thương mại; Những vấn đề cần lưu ý trong hợp đồng vay tiêu dùng tài chính.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm