1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng trăm hộ dân bị lừa gom sổ đỏ thực hiện “dự án ảo”

Nhiều người dân nước mắt ngắn, nước mắt dài tố cáo một công ty lừa đảo thu gom sổ đỏ - khi họ tìm đến địa chỉ công ty thì tá hỏa vì địa chỉ “ma” khiến hàng ngàn sổ đỏ, hàng triệu hecta rừng, hàng chục tỷ đồng bị gom cho một dự án “ảo”…

Gom sổ đỏ để thực hiện dự án “ảo”?

Bà Nguyễn Thị Xoan (SN 1958, trú xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), trình bày: Năm 2008, trong một lần ra Hà Nội tìm nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng bà quen ông Nguyễn Viết Quý (quê xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Ông này giới thiệu là Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lâm nghiệp Quý Nhân, có trụ sở tại số 207, Lê Lợi, TP.Vinh, Nghệ An.

Bà Xoan (mang kính bên phải) với những tài liệu tố cáo ông Quý.

Bà Xoan (mang kính bên phải) với những tài liệu tố cáo ông Quý.

“Ông Quý cho biết được các “Bác” Trung ương giới thiệu để làm và đưa cho tôi xem một tờ giấy có chữ ký của một cán bộ cấp cao ký bổ nhiệm ông Quý làm Phó ban giải ngân Dự án trồng rừng 63 tỉnh, thành cùng một số loại giấy tờ, giấy biên nhận do ông vị cán bộ cấp cao ký. Nghe ông Quý nói thấy thuyết phục, tôi tin những chữ ký và dự án đó là có thật nên về vay mượn tiền của anh em, họ hàng, bạn bè đầu tư và làm cho ông Quý…”, bà Xoan mếu máo.

Với tỷ lệ ăn chia khá “bùi”, bà Xoan lần lượt liên hệ với người khác để rồi đường dây thu gom sổ đỏ cho dự án được hình thành, từ đây các "tư vấn viên" tiếp cận chủ rừng mời chào tham gia dự án. Do hưởng lợi quá cao với số tiền 500.000 đồng/ha, nên các "tư vấn viên" tích cực đi khắp các tỉnh trên cả nước từ Bắc chí Nam như Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam…, rồi lên cả Tây Nguyên để “tư vấn”.

Bà Xoan cho biết: “Ông Quý nói một mã hàng thì sẽ mất 200 triệu “lót tay” cho những người nước ngoài thẩm định dự án. Số tiền đó sẽ do các “tư vấn viên” tự xoay đưa cho ông Quý nhưng không có biên lai, biên nhận gì. Đối với chủ rừng, ông Quý nói 1ha sẽ được nhận 25 triệu đồng, chỉ cần giao lại sổ đỏ hoặc quyết định nhận đất rừng rồi chờ ngày giải ngân. Các chủ rừng do tôi đưa đến và kí với ông Quý nhiều lần tổng số diện tích là hơn 1,2 triệu hecta của các chủ hộ do tổ tư vấn của tôi tư vấn. Ngoài ra, tôi còn trực tiếp đưa cho ông Quý tổng số 3 tỷ đồng qua nhiều lần để “lót tay” nhưng không thấy dự án giải ngân…”.

Khi đưa được chủ rừng đến gặp ông Quý, bà Xoan ký giấy tờ nộp sổ đỏ, nộp 200 triệu đồng/10 ngàn ha (mã hàng) là bà hết nhiệm vụ. “Sau khi làm việc với ông Quý xong, các chủ rừng ra khỏi phòng làm việc, gặp tôi họ đều nói “nhiệm vụ của bà đã xong”, còn tôi không hề biết gì thêm”, bà Xoan nói.

Chờ đợi đã 6 năm nhưng “giải ngân” vẫn chỉ là điều nằm mơ, bà Xoan bị các "tư vấn viên" tìm đòi sổ đỏ để trả lại chủ rừng cũng như các khoản tiền đã nộp. Sau nhiều lần hứa thì ông Quý không nghe điện thoại của bà Xoan nữa. “Tôi 2 năm nay phải bỏ trốn khỏi nhà vì nhiều người đến đòi sổ đỏ và quyết định giao đất. Tôi chỉ mong làm cách nào đó để lấy lại sổ đỏ để trả cho các chủ rừng, còn chấp nhận mất số tiền đóng cho ông Quý”, bà Xoan chua chát.

Cả “hệ thống” bị lừa

Ông Phan Xuân Viết (SN 1959, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một nạn nhân của trò gom sổ đỏ làm dự án. Mặc dù trước đó chưa bao giờ gặp bà Xoan, nhưng vì tin bạn nên vợ chồng ông Viết cùng thu gom sổ đỏ thực hiện dự án hỗ trợ không hoàn lại của nước ngoài để hỗ trợ phát triển rừng.

Từ thông tin mỗi mã tư vấn được 500 ngàn đồng/ha nên ông Viết vận động vợ, con trai, anh em trong gia đình cùng tham gia “tổ tư vấn” thu gom sổ đỏ lên tới 140 người. “Hơn hai năm đi khắp các vùng miền trên cả nước để “tư vấn”. Khi chủ rừng đồng ý thì lo vé máy bay, khách sạn cho họ ra Hà Nội gặp ông Quý đưa sổ đỏ ra để ký tá.

Có hơn 640.000 ha đất rừng với không biết bao nhiêu sổ đỏ, quyết định giao đất được tư vấn thành công đưa ra Hà Nội gặp ông Quý làm việc, còn  việc của chúng tôi đến đó là hết. Để chủ rừng có thể ký thỏa thuận với “công ty” thì “tổ tư vấn” phải nộp cho ông Quý 200 triệu đồng/mã giao dịch gọi là phí “lót tay”. Nghe lợi nhuận cao nên ai cũng hăng hái dốc sức, dốc của đi làm và rất yên tâm vì nghĩ là dự án có thật”, ông Viết cho biết.

Hậu quả là giải ngân chẳng thấy đâu, ông Viết đã cầm cố 3 chiếc xe ô tô, 1 căn nhà, bán nhà em trai, em gái… số tiền thiệt hại lên đến hơn 30 tỷ đồng để “lót tay” và tiền đi lại, chi phí các khoản. Giờ đây, gia đình ông mỗi người một nơi, bố mẹ cao tuổi phải “di tản” sống tạm nơi khác vì sợ "xã hội đen" siết nợ…

Nóng lòng vì số tiền nợ, vì những con nợ liên tục đòi, vì những chủ rừng liên tục điện thoại hỏi, bà Xoan, ông Viết cùng những người khác kéo nhau vào TP.Vinh (Nghệ An) tìm đến địa chỉ công ty thì mới tá hỏa tại địa chỉ trên không có công ty nào đóng. Đến ngày 27/7, đã có 14 người về Nghệ An để tìm công ty và làm đơn tố cáo ông Quý lên các cơ quan chức năng.

Bị giang hồ chặn đánh nhập viện

Một đầu mối khác, bà Tạ Thị Dung (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: "Từ năm 2006, nghe nhiều người nói có dự án trồng rừng thì tôi cũng tham gia chứ không hề biết thực hư ra sao. Nghe ông Quý nói là nằm trong ban dự án, hơn 1.000 bộ hồ sơ tôi thu gom đưa cho ông Quý, nhưng cũng chả có cái nào giải ngân được.

Tôi chờ mãi không có tiền để giải ngân nên phải bán một chiếc ô tô, một mảnh đất, toàn bộ số tiền 6 năm đi nước ngoài làm ăn cũng đổ vào đầu tư, rồi vay lãi cao… nhưng không có tiền để thanh toán. Gặp ông Quý xin lại hồ sơ nhưng không được, không thanh toán được cho các chủ nợ nên tôi bị xã hội đen chặn đánh nhập viện".

 
Theo Ngô Toàn - Quang Trung
Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm