1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng nhập lậu tràn ngập chợ quê

Hàng Trung Quốc với ưu thế mẫu mã đẹp, giá thành rẻ là một trong những đối thủ nặng ký cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam. Đánh vào tâm lý người tiêu dùng (NTD) ưa hàng rẻ, mẫu mã đẹp, chất lượng… tạm được, hàng Trung Quốc tiếp cận NTD bằng nhiều con đường khác nhau.

Hàng may mặc nguồn gốc Trung Quốc được bày bán la liệt ở các chợ quê.
Hàng may mặc nguồn gốc Trung Quốc được bày bán la liệt ở các chợ quê.

 

Khi đã vào sâu nội địa, hàng Trung Quốc nhanh chóng xuất hiện ở nhiều địa bàn từ vùng ven trung tâm thành phố đến các tỉnh. Thậm chí hàng Trung Quốc còn đội lốt hàng made in Việt Nam. 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Chợ vùng ven ngập hàng lậu, hàng giả

 

Để xác minh nguồn tin hàng Trung Quốc đã tràn ngập thị trường nông thôn, sáng ngày 5/1/2014, chúng tôi tìm đến phiên chợ Tràng, xã Việt Thắng, huyện  Việt Yên (Bắc Giang). Bà con tiểu thương ở đây cho biết, hàng dệt may và giày dép của Trung Quốc thu hút hầu hết người mua, bởi giá vô cùng rẻ và rất sẵn các loại mặt hàng mà người mua cần, từ các loại đồ lót cho người lớn đến quần áo trẻ em.

 

Rảo một vòng quanh khu chợ, chúng tôi thấy hàng may mặc không chỉ bày ngồn ngộn trong các cửa hiệu, mà còn được treo la liệt trên các vách tường, chất đống trên những tấm nylon trải trên mặt đất... Nói về sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc đang “đè bẹp” hàng may mặc nội địa, ông Khánh - người phố chợ Tràng (trong ảnh) - chỉ cho chúng tôi chiếc áo khoác Trung Quốc khá đẹp đang bày bán trong gian hàng và cho biết: “Giá chỉ hơn 400.000 đồng, chưa bằng công may một chiếc áo mới nên chẳng mấy ai muốn mua vải may áo nữa”.

 

Còn nguồn gốc những đống quần áo, giày dép... đều được bà con tiểu thương lên Lạng Sơn vào các chợ biên giới mua về bán, chẳng cần có hóa đơn chứng từ xuất xứ nguồn gốc hợp pháp và cũng chẳng có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát.

 

Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội là nơi tập trung một lượng lớn hàng Trung Quốc đổ về từ biên giới.

 

Hàng may mặc nguồn gốc Trung Quốc bày bán la liệt ở chợ Tràng, Việt Yên (Bắc Giang).
Hàng may mặc nguồn gốc Trung Quốc bày bán la liệt ở chợ Tràng, Việt Yên (Bắc Giang).  Ảnh: C.Thắng

 

Trong khi ở trung tâm thành phố Hà Nội, cửa hàng thời trang nào cũng treo “sale”, “xả hàng”, “giảm giá”... tới 50% mà vẫn ế, thì tại chợ Ninh Hiệp, hằng ngày đón hàng chục ngàn khách đổ về đây đóng hàng.

 

Bán buôn có, bán lẻ cũng có. Hàng hóa được tập kết nhiều nhất là vải, quần áo, giày dép, túi... Nhiều hàng in chữ Trung Quốc mà chủ hàng vẫn khẳng định Made in Việt Nam. Một bộ quần áo thể thao nam chỉ từ 200.000 – 300.000đ/bộ, áo khoác nữ: 200.000 – 450.000đ/chiếc...

 

Tại chợ Phúc Thuận, Phổ Yên (Thái Nguyên) rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo thương hiệu và cả hàng kém chất lượng (hết hoặc cận date) được bày bán công khai.

 

NTD có thể mua từ những sản phẩm thiết yếu đến các mặt hàng gia dụng. Hàng hóa được đóng sơ sài có tên và địa chỉ nhà sản xuất không rõ ràng, thậm chí nhiều mặt hàng không có hạn sử dụng.

 

Người mua chấp nhận và hầu như ít quan tâm đến chất lượng hàng hóa mà chỉ quan tâm đến giá bán. Theo người bán hàng tên Huyền: Ở những chợ vùng sâu này, nếu nhập hàng tốt về cũng rất khó bán, vì kinh tế của người dân còn khó khăn, biết là hàng kém chất lượng nhưng vẫn nhập về bán.

 

Cũng theo chị Huyền, hàng hóa ở đây chủ yếu là những mặt hàng nhu yếu phẩm, giá rẻ. Chẳng hạn: ChocoPie giá 20.000đ/hộp (12 chiếc), trong khi hàng công ty sản xuất giá khoảng 50.000đ/hộp,

 

Hàng “3 không” cũng ganh đua vào chợ lớn

 

Khảo sát của PV tại khu vực chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm (Hà Nội) – một trong những nơi tập kết hàng bánh, mứt, kẹo bán buôn, các quầy bán bánh, mứt, kẹo tại đây chia thành hai loại: Hàng Việt Nam sản xuất và hàng giá rẻ được bán theo cân.

 

Giá kẹo, bánh bình dân từ 30.000 – 50.000đ/kg. Khi được hỏi về nguồn gốc, người bán hàng thường trả lời “kẹo Việt Nam”. Để chứng minh, trong mỗi bọc kẹo đều nhét một tờ giấy A4 đề tên kẹo bằng tiếng Việt. Người bán cũng thường e ngại và khi nói hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Có mặt tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội), hơn 10 gian hàng kinh doanh bánh, mứt, kẹo khá đông khách. Kẹo, bánh, mứt tại đây cũng được bán theo cân, không nhãn mác và hạn sử dụng, được đóng vào các túi nylon lớn. Khi được hỏi về hàng Trung Quốc hay Việt Nam, hầu hết chủ hàng khẳng định: Hàng Việt Nam, không phải của Trung Quốc, nhưng không có gì để chứng minh đúng là hàng Việt Nam.

 

Chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) nổi tiếng với các mặt hàng bán cho sinh viên. Tại đây, bánh kẹo, quần áo, giày dép bày bán la liệt. Đa số quần áo được sinh viên ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, hợp thời trang mà giá lại rẻ. Chị Trương Thân (phường Mậu Lương, quận Hà Đông) cho biết: “Gần tết tôi rẽ qua chợ Phùng Khoang mua quần áo cho gia đình, chỉ cần vài trăm nghìn cả gia đình đều có quần áo mới.

 

Mẫu mã hàng Trung Quốc đẹp, chất lượng không bằng hàng Việt Nam nhưng với tiền lương công nhân như tôi chỉ đủ mua hàng Trung Quốc”.

 

Theo đại diện của Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương: Nguyên nhân của việc hàng nhái vẫn còn “đất sống” do còn khá nhiều kẽ hở trong các quy định khiến các đối tượng hám lợi đã lách luật. Chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng chưa đồng bộ. Điều quan trọng nhất là nhận thức của NTD còn ham của rẻ nên đã tiếp tay cho các đối tượng gian lận trục lợi.

 

Theo Nhóm Phóng viên

 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước