Hàng nhập khẩu phải có nhãn bằng tiếng Việt
(Dân trí) - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá. Theo đó, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ.
Theo thông tư số 09/2007/TT-BKHCN, nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất nội dung của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai lệch nội dung của nhãn gốc...
Đối với hàng hoá sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức cá nhân hoàn thiện hàng hoá hoặc thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông phải thực hiện ghi nhãn hàng hoá...
Trường hợp một hàng hoá có nhiều công dụng thì căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa để xếp vào loại tương ứng. Trường hợp hàng hoá xếp được ở nhiều loại thì xếp vào loại có tính chất, công dụng hợp lý hơn.
Trường hợp tên chất chiết xuất, tinh chất từ các nguyên liệu tự nhiên ghi kèm tên hàng hoá thì phải ghi thành phần định lượng chất chiết xuất, tinh chất hoặc khối lượng nguyên liệu tương đương dùng để tạo ra lượng chất chiết xuất, tinh chất đó...
Trước đó, ngày 12/4, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam bảo vệ bản quyền nhãn hiệu hàng hóa tại nước ngoài.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao thông qua con đường ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, làm việc với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc trong việc hỗ trợ Tổng công ty thuốc lá Việt Nam đăng ký bản quyền nhãn hiệu hàng hóa Vinataba tại Trung Quốc.
N.Lê