Hàng ngoại tràn vào siêu thị

Số lượng nhà cung cấp hàng ngoại nhập cho siêu thị tăng đột biến. Tuy nhiên, giá hàng hóa chưa giảm như nhiều người mong đợi.

Bánh kẹo, đồ hộp về nhiều

 

Tính đến thời điểm này, 1 tuần sau khi Việt Nam vào WTO, các siêu thị đã nhận được đơn chào hàng rất nhiều từ các nhà cung cấp. Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: Lượng hàng ngoại nhập được các nhà cung cấp “chào” bán tăng khoảng 20%, nhiều nhất là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình... có xuất xứ từ Mỹ, Bỉ, Ý, Hà Lan, Thái Lan, Singapore... Tuy nhiên, siêu thị chỉ mới tiếp nhận khoảng 1/10 lượng hàng. Nếu đàm phán xong, sẽ có nhiều mặt hàng ngoại nhập vào siêu thị.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các siêu thị thuộc hệ thống Co.opMart, lượng hàng ngoại hiện đã đa dạng hơn trước nhiều. Các Co.op Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Cống Quỳnh... dành hẳn khu vực riêng để bày bán bánh kẹo, gia vị ngoại. Ngay cả các sản phẩm đồ dùng gia đình như đồ chùi xoong, bình tưới hoa... của Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có mặt và bán khá chạy.

 

Hệ thống siêu thị Maximark vốn có thế mạnh về hàng ngoại nhập thì nay lượng hàng ngoại càng nhiều hơn. Theo bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình là các ngành hàng được nhập khẩu, ước tính tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng thực phẩm được nhập nhiều nhất với các loại bánh kẹo, đồ hộp...

 

Ở hệ thống siêu thị Citimart, lượng hàng nhập khẩu cũng tăng từ 20% - 30%. Một số mặt hàng vừa nhập từ Singapore là các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của các nước châu Âu như: Chore, Ritter, Bgian, Drote, Amon Roca... Citimart cũng vừa ký hợp đồng nhập đồ hộp chế biến từ thịt bò của thương hiệu Brefoods (Philippines).

 

Nhiều loại hàng ngoại bị từ chối

 

Bao giờ hàng ngoại nhập giảm giá?

 

Theo nhận định của các siêu thị, người tiêu dùng hiện đang quan tâm đến vấn đề rất thực tế: Vào WTO giá cả của các mặt hàng ngoại nhập có giảm so với thời điểm hiện tại hay không? Tuy nhiên, giá cả của thị trường không thể thay đổi ngày một, ngày hai. Hiện nay, điều lợi nhất khi gia nhập WTO là hàng ngoại nhập sẽ rất phong phú, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn những sản phẩm nổi tiếng. Khi thuế nhập khẩu giảm thì thị trường sẽ tự điều chỉnh giá. Không chỉ vậy, các mặt hàng sản xuất trong nước sẽ giảm giá để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Dự báo của các siêu thị thì trong vòng khoảng 1 năm, giá hàng hóa sẽ giảm đáng kể.

Nguyên nhân hàng thực phẩm ngoại nhập tràn về các siêu thị ngoài lý do Việt Nam gia nhập WTO, còn vì thời điểm này đang vào mùa chuẩn bị hàng hóa bán dịp cuối năm.

 

Theo bà Nguyễn Ánh Hồng, hiện có 1.378 nhà cung cấp hàng ngoại nhập cho siêu thị, tăng 35% - 40% so với năm trước, nhưng đó chưa phải là con số cao nhất vì trên thực tế siêu thị đã phải từ chối khoảng 70% đơn đặt hàng do siêu thị không đủ mặt bằng để chứa hàng. Mặt khác, vấn đề chất lượng hàng hóa, giá cả... các siêu thị cũng yêu cầu cao hơn trước để tránh nhập tràn lan hàng hóa không đạt chất lượng.

 

Chẳng hạn như cùng một chủng loại bánh phủ chocolate nhưng có đến hàng chục thương hiệu khác nhau. Siêu thị phải chọn hàng kỹ lưỡng mới quyết định nhập hàng. Bà Hồng còn cho biết: Giá của đợt hàng nhập từ Tây Ban Nha về sẽ giảm 30% so với sản phẩm cùng loại. Nhưng đây chỉ là mức giảm cá biệt của một vài đơn vị sản xuất, chứ thực chất mới gia nhập WTO thì không thể một sớm một chiều là giá hàng hóa sẽ giảm.

 

Saigon Co.op đang xúc tiến hợp tác với một số đơn vị để thành lập Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu, nghiên cứu các chính sách về thuế, ngành hàng của các thành viên WTO. Dự kiến đầu năm 2007 sẽ chính thức nhập hàng.

 

Bà Tranh cho biết, khi thị trường hàng ngoại nhập ổn định, mức giá có thể điều chỉnh thấp hơn. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chậm đổi mới, nâng cao chất lượng, bao bì sản phẩm... sẽ có thể “thua trên sân nhà”.

 

Theo Mai Vân-Thanh Nhân

Báo Người lao động