Hàng nghìn nhà vườn ở ĐBSCL đổ xô mua cây giống đặc sản

Mặt hàng cây ăn trái đặc sản đang tăng vùn vụt, cung không đủ cầu. Trước hấp lực của giá cả, hàng nghìn nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ồ ạt đi mua cây giống để cải tạo lại vườn tược.

Cung không đủ cầu

 

Theo nhận định của các chủ cơ sở chuyên sản xuất cây giống thì chưa bao giờ thị trường mua bán cây giống đặc sản lại sôi nổi, “nóng” như bây giờ. Hiện nay, nhiều loại cây giống đặc sản đang được các nhà vườn ưa chuộng mua trồng như: Bưởi da xanh, chanh không hạt, mít siêu sớm, mít không hạt, xoài cát Hòa Lộc… Các loại cây đặc sản này thời gian qua giá cả rất cao và luôn duy trì ở mức ổn định.

 

Cây giống mít không hạt của ông Út Mẫn hiện nay không còn hàng cung ứng.
Cây giống mít không hạt của ông Út Mẫn hiện nay không còn hàng cung ứng.

 

Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ nhiệm Hợp tác xã Thạnh Phước, huyện Châu Thành, Hậu Giang cho biết: “Nhu cầu của người dân trồng chanh không hạt tăng đáng kể. Ở thời điểm này so với những năm trước, nguồn cây giống ở hợp tác xã cung không đủ cầu, nhu cầu mua cây giống tăng gấp 2 – 3 lần, số lượng lên đến từ 300.000 – 400.000 cây không thể nào cung ứng đủ”.

 

“Sở dĩ nhu cầu nhà vườn mua cây giống tăng đột biến bởi ưu điểm của cây chanh không hạt so với loại chanh thường là cây dễ chăm sóc, ít nhiễm bệnh, trái to, năng suất cao, da bóng đẹp, nhiều nước nên rất được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng” – ông Chiến phấn khởi nói.

 

Lão nông Trần Minh Mẫn (khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) được mọi người mệnh danh là “vua” mít không hạt của miền Tây hiện cũng đang lâm vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” vì các mối mang cây giống ở huyện Chợ Lách, Bến Tre “bẻ kèo” không chịu cung ứng gốc cây thấp nên phải chạy đôn chạy đáo năn nỉ hoặc bấm bụng mua giá cao để tìm cách nhân giống để giao cho khách hàng.

 

Giá cả tăng vùn vụt

 

Được biết, lý do khiến thị trường cây giống năm nay hụt nguồn cung là vì những năm trước nhà vườn sản xuất cây giống tiêu thụ không hết, nhiều người làm giống lỗ nặng nên giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng để duy trì nghề truyền thống. Mặt khác, nhiều nhà vườn do bị ảnh hưởng của sâu bệnh hoành hành nên dẫn đến chán nản, đốn bỏ cây trồng. Chính vì vậy, năm 2013 nhiều nhà vườn ở miền Đông chuyển dịch sang trồng cây trái theo hình thức trang trại, thì nhu cầu cây giống tăng mạnh nên hụt nguồn cung, từ đó kéo theo giá tăng đột biến ngoài dự đoán của nhà vườn.

 

Không riêng gì giá cả cây giống tăng đột biến mà nhiều vật liệu phụ trợ cũng “ăn theo” tăng vùn vụt như: Bọc vô cây (tùy theo loại) tăng giá 50.000 đồng/kg; bột dừa làm phân trước đây rẻ như cho, nay giá cả tăng lên gấp 2 – 3 lần vẫn không có hàng…Nhiều chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh các loại cây giống ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện tại, giống xoài cát Hòa Lộc có giá từ 24.000 - 26.000 đồng/cây, tăng gần gấp đôi so với năm trước nhưng vẫn không có cây giống để bán; bưởi da xanh ghép có giá từ 17.000 – 20.000 đồng/cây.

 

Ông Phạm Văn Hiệp ở ấp Lân Bắc, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, năm nay tập trung sản xuất 35.000 cây mít giống, chủ yếu là mít siêu sớm và đã thắng lớn. Từ đầu năm đến nay, đã xuất bán 20.000 cây mít giống, giá dao động từ 5.000 – 6.000 đồng/cây, mấy ngày gần đây đã có nhiều thương lái đến đặt hàng hết số lượng cây giống còn lại. Ông Hiệp cùng hơn 2.000 hộ sản xuất cây giống ở địa phương đang phấn khởi vì mít và xoài giống đang hút hàng, đẩy giá tăng cao.

 

Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: “Tình hình cây giống năm nay một số mặt hàng hút hàng là do người dân trồng phát triển theo phong trào. Toàn huyện có đến 9.500ha cây ăn trái, trong đó cây ăn trái chủ lực chiếm đến 60 – 70%; với 4.500 hộ sản xuất cây giống. Hiện nay, chúng tôi khuyến cáo bà con nên tập trung trồng, sản xuất 4 cây chủ lực là chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh. Vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất, tập trung cao nguồn hàng xuất khẩu” .

 

Theo Đức Khánh

Dân Việt