Hàng năm, có khoảng 10 triệu hồ sơ hải quan được "điện tử hóa"

(Dân trí) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm có gần 10 triệu hồ sơ hải quan được thực hiện trên hệ thống điện tử, số thu thuế bằng điện tử đạt trên 95%.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, ngành Hải quan tập trung cải cách hành chính trong đó trọng tâm là triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hoàn thiện thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hướng tới mục tiêu hội nhập và phát triển của ngành và đất nước.

Hàng năm có hơn 10 triệu hồ sơ hải quan được điện tử hóa

Về thể chế, ngành Hải quan rà soát, quy hoạch lại hệ thống pháp luật hải quan mà mở đầu là việc trình thông quan Luật hải quan năm 2014. Đây là đạo luật gốc để ngành Hải quan tiến hành cải cách hiện đại hóa.

Hàng loạt các nghị định, quyết định, thông tư đã được ngành Hải quan xây dựng, trình ban hành nhằm thể chế hóa các chế định cải cách mạnh mẽ trong Luật hải quan.

Ngành Hải quan đã triển khai hàng loạt hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hải quan. Điển hình là việc hợp tác với Chính phủ Nhật Bản đưa vào vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCISS từ năm 2014.

Hàng năm, có khoảng 10 triệu hồ sơ hải quan được điện tử hóa - 1

Khác với việc thực hiện thủ tục hải quan thủ công hoặc bán điện tử trước đó, hệ thống đã tự động phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu theo tiêu chí quản lý rủi ro, luồng xanh thông quan tự động trong 3 giây, luồng vàng kiểm tra hồ sơ và luồng đỏ kiểm tra thực tế một phần hàng hóa.

Hàng năm, trong số hơn 10 triệu hồ sơ hải quan phát sinh đã có khoảng hơn 99% hồ sơ hải quan được thực hiện trên hệ thống, số thu thuế điện tử đạt trên 95%.

Từ quy định đổi mới của Luật hải quan, ngành hải quan đã triển khai mạnh mẽ công tác kiểm tra sau thông quan, hạn chế kiểm tra trong thông quan, qua đó giảm ùn tắc và phát sinh chi phí, thủ tục tại cửa khẩu, đồng thời xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong khâu thông quan và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hải quan của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời, nhiều hiệp định, điều ước quốc tế đã được Việt Nam ký kết có nội dung về hải quan đã được ngành Hải quan nội luật hóa vào hệ thống pháp luật hải quan như Công ước Tokyo sửa đổi năm 2014, Hiệp định trị giá GATT...

Cải cách thủ tục hành chính cũng là một trọng tâm được ngành Hải quan thường xuyên chú trọng. Nếu như trước đây hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan và các giấy tờ, chứng từ khác thì hiện nay hồ sơ được đơn giản hóa chỉ còn tờ khai hải quan và tùy từng trường hợp cụ thể mới đòi hỏi giấy tờ, chứng từ gửi kèm; phương thức thực hiện thủ tục hành chính hầu hết được điện tử hóa kể cả việc nộp thuế, áp dụng chữ ký số.

Thông qua công tác xây dựng pháp luật, số lượng thủ tục hải quan được cắt giảm đáng kể, theo đó trước khi có Luật Hải quan là 239 thủ tục thì hiện nay chỉ còn tổng số 199 thủ tục, những thủ tục hành chính không cần thiết đã được cắt bỏ.

Về tinh giảm bộ máy, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã tập trung kiện toàn sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các đơn vị trong ngành, quá trình thực hiện đã giảm được 12 chi cục hải quan trên cả nước và luân chuyển, quy hoạch, điều động nhiều cán bộ quản lý, công chức theo quy định.

Điện tử hóa từ 85% đến 100% dịch vụ công trực tuyến

Được đánh giá là lĩnh vực đi đầu về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ngành Hải quan đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 đạt gần 90% tổng số thủ tục hành chính.

Hàng năm, có khoảng 10 triệu hồ sơ hải quan được điện tử hóa - 2

Trong đó, 85% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện mức độ 4, yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 30%. 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp giao diện cho các thiết bị di động đạt 100%, yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 50%.

Hàng năm, ngành Hải quan đều công khai kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hải quan trong đó có việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, 100% dịch vụ được xử lý bằng hồ sơ điện tử.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, ngành hải quan cũng đã phối hợp với 13 bộ, ngành triển khai 198 thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia với trên 3 triệu hồ sơ của gần 37 nghìn doanh nghiệp, đảm bảo 100% doanh nghiệp truy cập và được xác thực qua cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới trong 3 năm 2017 - 2019, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì.

Ngành Hải quan đã triển khai đúng tiến độ 21 chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó đã thực hiện vượt mức 08/21 chỉ tiêu Chính phủ giao.

Trong 3 năm liền 2017, 2018 và 2019, Tổng cục Hải quan xếp hạng 1/5 đơn vị khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về công tác cải cách hành chính. Với những kết quả đã đạt được, ngành hải quan đã có sự đóng góp đáng kể cho công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.

Với những kết quả đã đạt được, ngành Hải quan đã có sự đóng góp đáng kể cho công cuộc hội nhập và phát triển đất nước. Tuy còn những khó khăn, hạn chế, song với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự chung ta của cộng đồng doanh nghiệp và với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, công chức, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để cụ thể hóa thành công chủ trương đổi mới, hội nhập và phát triển đã được Đảng và Chính phủ khởi xướng.

Trường Thịnh