1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hàng Mỹ chinh phục Trung Quốc

(Dân trí) - Chuyện quần áo Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ hiện chẳng có gì mới, nhưng một hãng thời trang của Mỹ lại đang nuôi tham vọng làm điều ngược lại: “tung hoành” trên đất Trung Quốc.

Joseph Abboud, một nhãn hiệu thời trang với nhà máy tại New Bedford, tiểu bang Massachusetts của nước Mỹ, đang có kế hoạch mở các cửa hàng tại Trung Quốc để bán sản phẩm may mặc cao cấp cho nam giới nước này. Dự định của Joseph Abboud là tạo sức hút từ mác “Made in the U.S.A.” (Sản xuất tại Mỹ) trên sản phẩm.

 

“Ý tưởng làm sản phẩm tại Mỹ và sau đó xuất sang Trung Quốc thực sự là lạ. Chúng tôi đang lội ngược dòng, nhưng chúng tôi làm được,” ông Marty Staff, Giám đốc điều hành công ty JA Apparel - chủ sở hữu thương hiệu Abboud, nói.

 

JA Apparel hiện cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng thời trang cao cấp của Mỹ, như Nordstrom, Saks Fifth Avenue và Neiman Marcus. Công ty cũng đã có một số cửa hàng ở châu Á.

 

Kế hoạch của JA Apparel là mở 15 cửa hàng tại Bắc Kinh và Thượng Hải trong năm nay, và đến mùa hè năm sau sẽ là thêm 15 cửa hàng nữa trên toàn Trung Quốc.

 

Joseph Abboud hiện có doanh thu khoảng 300 triệu USD/năm, với 600 nhân công làm việc tại nhà máy ở Mỹ. Sản phẩm mang nhãn hiệu Joseph Abboud gồm quần âu, áo khoác thể thao và comple. Giá một bộ comple của hãng tại Mỹ trung bình khoảng 900 USD.

 

Ông Staff cho biết Joseph Abboud tự coi mình là đối thủ cạnh tranh của các thương hiệu lớn và nổi tiếng như Giorgio Armani hay Versace. Ông giải thích rằng công ty JA Apparel kiên quyết không chạy theo xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài dù chi phí nhân công tại Mỹ rất cao, vì họ biết cách xoay xở hợp đồng và khai thác chính sách trợ giá vải sợi của chính phủ liên bang.

 

“Kinh doanh quần áo may đo cho nam giới là một lĩnh vực lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro, nhưng chúng tôi biết cách biến nhà máy của mình thành vũ khí,” ông Staff tự tin nói.

 

JA Apparel ký hợp đồng nhượng quyền đối với tất cả các sản phẩm, từ vải trang trí đến quần áo nam, và hoạt động kinh doanh này đang đem về cho công ty 55% doanh thu.

 

JA Apparel sẽ hợp tác với Judger Group, công ty Trung Quốc mà ông Staff mô tả là nhà cung cấp quần áo may đo lớn nhất tại Trung Quốc. Judger sẽ đảm nhiệm việc bán lẻ hàng ngày, còn JA Apparel cung cấp quần áo, thiết kế cửa hàng và giám sát việc trưng bày sản phẩm.

 

Kích cỡ quần áo sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thị trường Trung Quốc, và mỗi bộ comple sẽ đính kèm một tấm card trong túi áo ngực, giải thích rõ sản phẩm được làm tại một nhà máy ở Mỹ.

 

Trả lời câu hỏi liệu người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có phản ứng thế nào với một thương hiệu Mỹ còn khá xa lạ, ông Staff nói: “Tôi không cho rằng việc không được nổi tiếng như ngài Armani lại là một vấn đề lớn”.

 

Đặng Lê

Theo IHT/Reuters