1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng loạt thực phẩm trên thị trường nhiễm hóa chất, kháng sinh nặng

(Dân trí) - Kết quả kiểm tra hàng loạt các loại thực phẩm từ thủy sản, rau quả, thịt gia súc gia cầm…trên thị trường đều phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Bộ NN-PTNT, qua triển khai chương trình kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra nhiều mẫu thực phẩm trên thị trường, phát hiện hàng loạt vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Với các mẫu thủy sản, các cơ quan chức năng đã phát hiện 11/1.528 mẫu (chiếm 0,7%) nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép, giảm so với năm 2012 (số mẫu nhiễm chiếm 1,5%). Trong 11 mẫu nhiễm có 4 mẫu cá tra nhiễm Methyltestoterone, Diethylstibestrol, Quinolones; 4 mẫu tôm thẻ nhiễm Trichlorfon, Tetracycline, Oxytetracyclin; 1 cá rô phi nhiễm Methyltestoterone và 2 cá lóc nhiễm Quinolones và Malachite green/Leucomalachite green.

Nhiều mẫu rau ngót trên thị trường bị phát hiện chứa dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép.
Nhiều mẫu rau ngót trên thị trường bị phát hiện chứa dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép.

Các mẫu nhiễm thuộc các vùng nuôi của các tỉnh miền Trung và miền Nam như Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh.

Đối với chương trình giám sát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ: kết quả cũng phát hiện 2 mẫu sò điệp và sò lông tại Phan Thiết/470 mẫu nhuyễn thể nhiễm độc tố sinh học Lipophilic (chiếm 0,4%) tăng so với năm 2012 (số mẫu nhiễm chiếm 0,2%).

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trong số 26 loại rau, củ quả tươi sản xuất trong nước thì qua kiểm tra, nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả và trong các loại quả đã được giám sát thì nho quả tươi là loại có nguy cơ cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó là dưa lê, chuối và thấp nhất là xoài, cam.

Có 4 hoạt chất Cypermethrin, Fipronil, Chlorpyrifos, Permethrin trên các mẫu rau và 4 hoạt chất (Fipronil, Chlorpyrifos, Cypermethrin, Carbendazim) trên các mẫu quả có tần suất phát hiện cao, cao nhất là: Cypermethrin và Fipronil. Trong đó, các sản phẩm khu vực miền Bắc có nguy cơ cao hơn miền Trung và thấp nhất là khu vực các tỉnh phía Nam.

Các sản phẩm như thịt gia súc, gia cầm nhiễm kháng sinh đang là vấn đề nóng nhất.
Các sản phẩm như thịt gia súc, gia cầm nhiễm kháng sinh đang là vấn đề nóng nhất.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, chất lượng, an toàn vệ sinh đối với các sản phẩm như thịt gia súc, gia cầm đang là vấn đề nóng nhất. Trong đó, không chỉ có chất cấm mà ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm cũng là vấn đề nan giải.
Theo Bộ NN-PTNT, chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm kết quả đợt 1 đã phát hiện 3/39 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh vật gây bệnh Campylobacter spp (chiếm 7,7%); 2/40 mẫu nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol và 4/40 mẫu nhiễm Furazolidon (chiếm 10%). Ngoài ra, 4/40 mẫu phát hiện Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép (chiếm 10%).

Từ thực trạng nhức nhối trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là yêu cầu bức thiết, được người dân và xã hội quan tâm, người dân yêu cầu ngành nông nghiệp phải có sự quyết liệt hơn, tao sự chuyển biến rõ nét hơn.

Theo Bộ trưởng, người dân vẫn còn kêu ca nhiều về tình trạng phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, thậm chí hàng giả vẫn lưu hành, ảnh hưởng tới sản xuất của bà con. Người tiêu dùng chưa yên tâm, thậm chí còn hoang mang về mất an toàn thực phẩm. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề rất bức xúc, đòi hỏi phải thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, hướng tới mục tiêu giảm thiểu vi phạm về chất lượng vật tư cũng như vi phạm về an toàn thực phẩm. Cách làm phải hướng tới căn cơ, có hệ thống, làm tận gốc, không chỉ chạy theo tình huống.

Anh Thế