Hàng loạt nông sản Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt: Đề nghị 4 bộ cùng vào cuộc
(Dân trí) - Do mẫu mã đẹp và giá thành lại rẻ hơn so với hàng trong nước nên bất chấp quy định của pháp luật, nhiều thương nhân Việt Nam vẫn nhập hàng nông sản Trung Quốc về và gắn mác hoặc trộn lẫn với hàng Việt Nam để thu lợi nhuận cao.
Trong một văn bản vừa được gửi tới Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay có hiện tượng nhiều hàng hoá nông sản nhập khẩu đội lốt hàng nông sản Việt Nam.
Chẳng hạn như nho Trung Quốc mạo danh nho Ninh Thuận bán tại Hà Nội; mận, đào Pháp ở Bắc Hà (Lào Cai) bị mạo danh bán ở Hà Nội và TP.HCM; khoai tây Trung Quốc mạo danh khoai tây Đà Lạt.
Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, việc đội lốt hàng Việt Nam đang diễn ra với hai hình thức: hàng nước ngoài nhập khẩu sau đó trộn cùng với nông sản Việt Nam để bán ra thị trường hoặc thay mác thành hàng Việt Nam.
“Hiện tượng đội lốt nói trên là một hình thức gian lận thương mại trong kinh doanh”, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận xét.
Cũng theo cơ quan này, do tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam đang còn e ngại đối với các hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc nên việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại Việt Nam là rất khó khăn.
Tuy nhiên, do mẫu mã đẹp và giá thành lại rẻ hơn so với trong nước nên bất chấp quy định của pháp luật, nhiều thương nhân Việt Nam vẫn nhập hàng nông sản về và gắn mác hoặc trộn lẫn để thu lợi nhuận cao.
Đáng chú ý, với chiều dài hơn 4.542 km biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia trong khi chủ yếu là vùng rừng núi nên việc kiểm soát hàng hoá nhập lậu vào nội địa là rất khó khăn.
Mặt khác, lợi dụng chính sách thương mại biên giới thì việc vận chuyển hàng hoá giữa cư dân biên giới của 2 nước cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hàng hoá tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều loại hàng hoá nông sản tương đồng nên việc phát hiện hàng hoá đội lốt nông sản Việt Nam là rất khó nhận viết. Do vậy cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị thì mới phân biệt được hàng hoá gắn mác hoặc pha trộn nông sản Việt Nam.
Trước thực tế trên, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng để tăng cường phòng, chống hàng hoá nhập lậu vào Việt Nam.
Nguyễn Khánh