Hàng loạt hãng tàu xin tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam: Không dễ dàng!

Đại Việt

(Dân trí) - Hàng ngàn container phế liệu nằm tại các cảng tại TPHCM buộc phải tái xuất. Thế nhưng, khi doanh nghiệp xin tái xuất thì phải chờ rất lâu vẫn chưa thể đưa phế liệu ra khỏi Việt Nam.

Hàng loạt hãng tàu xin tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam: Không dễ dàng! - 1

Hàng ngàn container phế liệu vẫn nằm tại các cảng ở TPHCM. Ảnh: Đ.V

Đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tổng cục Hải quan về việc “hàng loạt” hãng tàu xin tái xuất container phế liệu tồn đọng.

Cụ thể, các hãng tàu xin tái xuất gồm: hãng tàu Cosco xin tái xuất 7 container, hãng tàu Nam Sung xin tái xuất 7 container và 2 container chưa có phương án tái xuất, hãng tàu OOCL xin tái xuất 5 container…

Các hãng tàu xin gia hạn thời gian tái xuất gồm: hãng tàu CMA xin gia hạn thêm giời gian tái xuất 207 container; hãng tàu TS Lines xin gia hạn thêm thời gian tái xuất cho 41 container do không liên lạc được với người gửi hàng…

Ngoài ra, hãng tàu MSC cũng xin sang container cho hãng tàu One để tái xuất 22 container hàng. Riêng hãng tàu KMTC có 12 container phế liệu không tái xuất được nên xin được tiêu hủy do không liên lạc được với chủ hàng và người nhận.

Hãng tàu Evergreen Việt Nam cũng đã gửi công văn yêu cầu tái xuất 8 container phế liệu tại cảng Cát Lái sang Hồng Kông (Trung Quốc) bằng tàu biển.

Tương tự, Công ty HMM Shipping Việt Nam cũng đã có công văn xin tái xuất 69 container hàng tồn phế liệu từ ngày 8/9 nhưng đã qua thời hạn 30 ngày theo quy định, hãng buộc phải thay đổi kế hoạch tái xuất và tiếp tục chờ đợi.

Hàng loạt hãng tàu xin tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam: Không dễ dàng! - 2

Phế liệu tồn đọng nhiều khiến việc quản lý của cơ quan chức năng khá vất vả. Ảnh: Đ.V

Theo Cục Hải quan TPHCM, đơn vị này đã báo cáo những vướng mắc của các hãng tàu để Cục Giám sát quản lý về Hải quan nắm tình hình.

Trước đó, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành các công văn yêu cầu các hãng tàu tái xuất container phế liệu tồn đọng không đạt quy chuẩn quốc gia ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các hãng tàu cũng đã lần lượt nộp công văn xin tái xuất hàng trăm container phế liệu không đạt tiêu chuẩn tồn đọng tại cảng biển.

Thế nhưng, việc đưa phế liệu ra khỏi Việt Nam cũng rất gian nan.

Đơn cử như việc Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu hãng tàu buộc tái xuất hàng hóa trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tiếp tục chờ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan và thời gian chờ là “vô định”.

Cụ thể, ngày 9/9/2020, Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 5918/TCHQ-GSQL về việc xử lý phế liệu tồn đọng. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu “trước khi tái xuất thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải phải báo cáo Tổng cục để rà soát và thiết lập các tiêu chí quản lý”.

Thế nhưng, khi các Cục Hải quan báo cáo về Tổng cục thì đơn vị này vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi đó, nhiều hãng tàu đã hết thời hạn tái xuất là 30 ngày. Trên thực thế, chỉ có một hãng tàu tái xuất phế liệu thành công là hãng tàu Yangming.

“Các hãng tàu đã nộp công văn đề nghị tái xuất sao không được Tổng cục Hải quan giải quyết. Đơn vị này cũng không trả lời, hướng dẫn cho doanh nghiệp hay các Cục Hải quan tỉnh, thành”, đại diện một hãng tài nói.

Hàng loạt hãng tàu xin tái xuất phế liệu ra khỏi Việt Nam: Không dễ dàng! - 3

Phế liệu bị buộc phải tái xuất trong 30 ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi quá nhiều thủ tục khiến quá hạn thời gian tái xuất. Ảnh: Đ.V 

Cũng theo đại diện hãng tàu nói trên, chủ trương tái xuất phế liệu không đạt quy chuẩn quốc gia đã có từ năm 2018, 2019. Thế nhưng, Tổng cục Hải quan không thiết lập các tiêu chí này mà chỉ đến khi Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra văn bản buộc tái xuất trong vòng 30 ngày thì đơn vị này mới có văn bản yêu cầu rà soát, thiết lập tiêu chí để “hướng dẫn”. Điều này là chưa phù hợp.

Các hãng tàu kiến nghị, Tổng cục Hải quan cần đưa ra thời gian cụ thể cho việc “hướng dẫn” này và cần có tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp chủ động thực hiện. Tránh việc quá hạn tái xuất, phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Cũng theo đại diện các hãng tàu, container buộc tái xuất không thể cập cảng trở lại được do các cơ quan chức năng quản lý rất chặt. Ngoài ra, các hãng tàu cũng không muốn các container phế liệu quay đầu lại cảng Việt Nam vì hãng tàu cũng không có lợi ích gì từ việc này.

Việc thay đổi vỏ container để đưa phế liệu bị buộc tái xuất quay về Việt Nam cũng không khả thi vì chi phí thông quan và sang vỏ container ở nước ngoài rất cao, mỗi container hàng phế liệu có thể tốn đến 5.000 USD.

“Phế liệu tồn đọng gây thiệt hại rất lớn cho hãng tàu từ việc phải trả chi phí lưu bãi, không đưa vỏ container vào khai thác được. Các cảng cũng bị chiếm mặt bằng. Do đó, hãng tàu mong muốn ngành hải quan có quyết định nhanh chóng, khoa học để tái xuất phế liệu không đạt chuẩn theo chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ ngành” đại diện một hãng tàu chia sẻ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - cho biết, khi các hãng tàu trình phương án tái xuất thì hải quan thành phố đều báo cáo Tổng cục Hải quan.

“Hiện nay chỉ mới có 39/1.099 container phế liệu được tái xuất, lượng container phế liệu còn tồn đọng rất nhiều tại các cảng. Chúng tôi cũng rất mong muốn những container phế liệu này được tái xuất nhanh chóng để doanh nghiệp đỡ được gánh nặng về chi phí, cảng được thông thoáng, đỡ mất công quản lý, bán đấu giá…”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, doanh nghiệp, hải quan thành phố vẫn tiếp tục chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.

Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, họ đang rất “sốt ruột” vì việc đưa phế liệu ra khỏi Việt Nam cũng tốn quá nhiều thời gian và thủ tục rườm rà.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm