1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hàng không Việt Nam mời gọi đầu tư nước ngoài

Với "tham vọng" đưa ngành hàng không VN vươn lên ngang tầm quốc tế trở thành thị trường thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á vào thời điểm năm 2015-2025, lần đầu tiên ngành hàng không nước ta lập một quy hoạch tổng thể để sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ GTVT cũng vừa có dự định thành lập một ban xúc tiến đầu tư, đồng thời lên danh mục các chương trình, dự án cụ thể để gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản trong lĩnh vực hàng không. 

 

Không thể thiếu ngoại lực

 

Dự kiến kinh phí đầu tư tổng thể ngành hàng không

 

Giai đoạn 2005 - 2025 là 185.000 tỉ đồng (12 tỉ USD). Cụ thể, từ 2005-2015 là 70.000 tỉ đồng; 2015-2025 là 115 tỉ đồng.

 

Trong đó, đầu tư cho hạ tầng của 2 giai đoạn là 37.500 tỉ đồng và 58.000 tỉ đồng.

 

Chia theo nguồn đầu tư: vay thương mại, vay ưu đãi: 86.000 tỉ đồng. Vốn vay khác: 32.000 tỉ đồng.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng đã đến lúc phải thừa nhận một thực tế là không thể thiếu đầu tư nước ngoài. Trong 4 nội dung của ngành này, bao gồm: vận tải; điều hành bay; hạ tầng sân bay, cảng hàng không và công nghiệp hàng không thì chỉ duy nhất có khâu điều hành bay là chưa cần đến ngoại lực, vì cả lý do an ninh quốc gia và trình độ kỹ thuật.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã được phép đầu tư vào hoạt động vận tải, các hoạt động thương mại hóa và dịch vụ phi hàng không (cửa hàng, dịch vụ tại các sân bay quốc tế hoặc liên doanh sản xuất thức ăn, kho hàng hóa). Về nguyên tắc, các thành phần kinh tế khác đều được đầu tư vào các khu thương mại sân bay nhưng đầu tư phát triển hạ tầng lại là vấn đề khác.

 

Một chuyên gia của Cục Hàng không VN nhận định: Hợp tác nước ngoài đang là vấn đề hàng đầu của ngành hàng không VN. “Để xây dựng 2 trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách tầm cỡ khu vực là Chu Lai và Long Thành, tổng vốn đầu tư mỗi trung tâm khoảng 5 triệu USD thì bắt buộc phải có vốn và quan trọng hơn là thị trường. Muốn có vốn và thị trường thì phải cho nước ngoài vào, chỉ họ mới đủ tiềm lực tài chính và có khả năng lôi kéo các nhà vận tải lớn vào tạo ra nguồn thu”.

 

Sân bay của VN không nhiều về số lượng, diện tích lại nhỏ nên muốn điều hành tốt 2 trung tâm này trong tương lai thì tranh thủ kinh nghiệm của nước ngoài cũng là điều cần thiết.

 

Còn những rào cản vô hình

 

Gần đây, một nhà đầu tư Hồng Kông đã đánh tiếng xây dựng sân bay Phú Quốc nhưng không được đồng ý vì hàng không là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, mà điều kiện đó là gì thì chưa thể hiện bằng văn bản pháp quy.

 

Năm 2004, tập đoàn chuyển phát nhanh UPS của Hoa Kỳ có dự định đặt trung tâm tại sân bay Chu Lai, chính quyền địa phương cũng đã xin ý kiến của Chính phủ về việc này nhưng sau đó không thấy nhà đầu tư có động tĩnh gì. So sánh với bên ngoài, Chính phủ Philippines khi quy hoạch lại sân bay đã hỗ trợ 100% kinh phí di dời văn phòng cho tập đoàn chuyển phát nhanh Fedex (Mỹ) về địa điểm mới.

 

Tăng lượng khách trung chuyển

 

Mặc dù khách du lịch nước ngoài đến VN đang tăng nhanh nhưng theo số liệu của Cục Hàng không VN, lượng khách trung chuyển tại các sân bay không đáng kể. Trong khi đó tại các cảng hàng không quốc tế như Changi (Singapore), khách trung chuyển chiếm 50% trong tổng số hơn 20 triệu lượt khách thông qua/năm.

 

Trong thực tế, nguồn thu trung chuyển là nguồn thu qua tiêu dùng rất quan trọng: Lượng khách trung chuyển cao thì doanh thu thương mại phi hàng không tăng lên, doanh thu hàng không cũng tăng lên do tăng lưu lượng máy bay đến và đi. Đây cũng là nguồn thu của ngành du lịch vì khách trung chuyển nhiều giờ thường tranh thủ mua các tour du lịch nội địa.

 

Lợi thế “điểm đến an toàn” được đánh giá là một trong những nhân tố có thể làm khách trung chuyển tại VN tăng trưởng đột biến trong thời gian tới. Để tận dụng cơ hội này, ngoài dự án xây dựng cảng hàng không Long Thành vừa được Chính phủ phê duyệt, theo một quan chức của ngành hàng không, Chính phủ cần điều tiết chính sách thương quyền cho các nhà vận chuyển; nâng cao hạ tầng, đặc biệt là nhà ga quốc tế.

 

Theo Tô Hà

Báo Người lao động