Hàng dệt may Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Mỹ

(Dân trí) - Báo cáo của Hội đồng các tổ chức ngành dệt may Mỹ (NCTO), kể từ khi chế độ hạn ngạch bị bãi bỏ, Trung Quốc đã kiểm soát khoảng một nửa thị trường quần áo tại Mỹ, đánh bại hàng hoá của các nước đang phát triển.

Báo cáo trên căn cứ vào số liệu của chính phủ Mỹ cho biết trong vòng 4 năm qua, Trung Quốc thu lợi nhuận khoảng 8 tỷ USD, trong khi các nước đang phát triển thiệt hại khoảng 3 tỷ, do không cạnh tranh nổi hàng dệt may của Trung Quốc.

Theo NCTO tại nhiều thị trường khác tình hình cũng tương tự. "Trung Quốc chiếm hơn 75% thị phần quần áo của Nhật Bản và Australia. Tại thị trường EU, nơi chế độ hạn ngạch đối với mặt hàng quần áo đã bị bãi bỏ từ năm 2002, Trung Quốc chiếm 74% thị phần".

 

NCTO khuyến nghị chính phủ Mỹ cần đề xuất những giải pháp bổ sung để giải quyết tình trạng này trong các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). NCTO nhấn mạnh nếu vòng đàm phán Doha của WTO không đạt kết quả thì sự "bành trướng" của hàng dệt may Trung Quốc có thể sẽ làm cho hàng triệu người trên toàn thế giới mất việc.

Dẫn các tài liệu của chính phủ Mỹ, báo cáo của NCTO cho biết thêm từ năm 2002 tới nay, tất cả các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn, trừ Việt Nam và Ấn Độ, đã bị mất một tỷ lệ thị phần lớn tại Mỹ vào tay Trung Quốc.

Ông Cass Johnson, Chủ tịch NCTO cáo buộc Trung Quốc áp dụng chính sách trợ giá và lợi dụng tỷ giá của đồng nhân dân tệ thấp để mở rộng xuất khẩu hàng dệt may, đồng thời cũng cho rằng WTO cần phải đạt được một thoả thuận về dệt may để "phát đi một thông điệp rằng tổ chức này sẽ bảo vệ các lao động trong ngành dệt may toàn cầu chống lại sự thôn tính của hàng dệt may giá rẻ từ Trung Quốc".

Ngọc Nhàn (Theo AFP)