1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Vụ cổ phần hóa “vịt trời” tại Hacinco:

Hàng chục tỷ đồng bị “chôn” hơn 10 năm tại Hacinco, nhà đầu tư “kêu cứu”

(Dân trí) - Hacinco với bản chất là một công ty cổ phần nhưng hoạt động dưới vỏ bọc doanh nghiệp Nhà nước “có thể đã tạo điều kiện để lợi ích nhóm, từ chối công nhận tư cách cổ đông của người lao động và nhà đầu tư hợp pháp, khiến họ phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn thập kỷ qua”, đơn kiến nghị của đại diện các nhà đầu tư nêu trước thềm cuộc gặp Thủ tướng.

Chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2017 dự kiến diễn ra vào ngày 17/5 tới, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội đã có kiến nghị lên UBND thành phố nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) theo đúng quy định của pháp luật và phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, người lao động.

Hiện nay, công ty luật này đang là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại Hacinco trong quá trình yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền hoàn tất thủ tục cổ phần hóa.

Một thương vụ cổ phần hóa kéo dài hơn 10 năm chưa xong, nhà đầu tư mắc kẹt vốn tại Hacinco đành kêu cứu Thủ tướng
Một thương vụ cổ phần hóa kéo dài hơn 10 năm chưa xong, nhà đầu tư mắc kẹt vốn tại Hacinco đành kêu cứu Thủ tướng

Cổ phần hóa hơn 10 năm chưa xong vì vướng nhiều sai phạm

Trong kiến nghị của mình, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nêu rõ: Ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 7252 về việc cho phép Hacinco tiến hành cổ phần hóa. Sau đó, đến ngày 29/9/2005, Quyết định số 6680 cũng đã được ban hành, phê duyệt giá trị DN và phương án cổ phần hóa Hacinco.

Theo đó, tại thời điểm xác định giá trị DN cổ phần hóa (31/12/2004), giá trị thực tế DN là 260,2 tỷ đồng, giá trị thực tế vốn Nhà nước là 7,2 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến 50 tỷ đồng. Giá khởi điểm cổ phần chào bán ở mức 10.000 đồng/cổ phần.

Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của Hacinco trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX) với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.

Sau đó, trong hai ngày 1-2/12/2005, Hacinco đã tiến hành đại hội cổ đông lần đầu để thông qua điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát công ty cổ phần.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa Hacinco đã phải dừng lại vì vướng nhiều sai phạm như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, tính trùng số năm công tác của người lao động...

“Cho đến ngày hôm nay, đã hơn 10 năm kể từ ngày Quyết định 7252 cho phép Hacinco cổ phần hóa được ban hành, Hacinco vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, những người lao động đã mua cổ phần tại Hacinco”, đơn kiến nghị nêu.

Trước tình trạng đó, Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội cho rằng, việc hoàn tất quá trình cổ phần hóa Hacinco là vấn đề cấp bách.

Bởi, theo đánh giá cả đơn vị luật, quá trình cổ phần hóa tại Hacinco vi phạm nghiêm trọng về tiến độ cổ phần hóa. Theo quy định, việc tiến hành cổ phần hóa từ khi xây dựng phương án, tổ chức bán cổ phần tới hoàn tất chuyển DN thành công ty cổ phần phải hoàn tất trong tối đa 9 tháng.

Thế nhưng, tiến trình cổ phần hóa tại Hacinco đã kéo dài hơn 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn tất. Đây là một điều bất hợp lý.

“Quá trình cổ phần hóa Hacinco đã đi đến bước cuối cùng, dù thời gian tối đa chỉ có 9 tháng để hoàn tất quá trình thì con số 9 tháng ấy cũng trở nên quá nhỏ bé so với hơn một thập kỷ người lao động và nhà đầu tư phải mòn mỏi chờ đợi được công nhận tư cách cổ đông của mình tại Hacinco”, đơn kiến nghị nêu.

“Vỏ bọc” doanh nghiệp Nhà nước tạo điều kiện để lợi ích nhóm

Hơn nữa, Hacinco đang hoạt động dưới vỏ ngoài là DN Nhà nước nhưng bản chất lại là công ty cổ phần. Tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại Hacinco năm 2005 là 9,11%, năm 2010 là 49,6%, chưa đủ để chi phối theo Luật DN nhà nước năm 2003, càng không thể nắm giữ 100% vốn theo Luật DN năm 2014.

Do vậy, cổ phần Hacinco từ khi người lao động và các nhà đầu tư mua năm 2005 chiếm gần 90% vốn nên về bản chất, Hacinco không còn được coi là DN Nhà nước nữa.

“Sự không rõ ràng này có thể đã tạo điều kiện để lợi ích nhóm, từ chối công nhận tư cách cổ đông của người lao động và nhà đầu tư hợp pháp, khiến họ phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn thập kỷ qua”, Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội nêu rõ quan điểm.

Mặt khác, theo công văn số 5494 của UBND TP Hà Nội thì kể từ thời điểm ban hành Quyết định số 6680, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hacinco liên tục thua lỗ với số tiền lên đến 7,4 tỷ đồng, vượt quá số vốn Nhà nước có tại DN này là 7,2 tỷ đồng.

Do vậy, từ năm 2005, Hacinco đã sử dụng toàn bộ số tiền 21 tỷ đồng của người lao động và nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh thay vì gửi số tiền trên vào tài khoản DN tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật.

Chính nhờ khoản vốn này, hoạt động của Hacinco dần hồi phục, đứng vững và phát triển tạo nên một thương hiệu Hacinco lớn mạnh ngày nay.

Ngoài ra, bản kiến nghị của công ty luật nhấn mạnh rằng, sự chậm trễ trong cổ phần hóa Hacinco đã gây ra thiệt hại và rủi ro lớn cho những nhà đầu tư hợp pháp, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề về lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành, quyền hưởng cổ tức…

“Vì vậy, cần phải nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa Hacinco để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại Hacinco”, Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội kiến nghị.

Ngoài ra, đơn vị bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư tại Hacinco cũng nhận xét, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục sai phạm trong quy trình cổ phần hóa Hacinco của UBND TP Hà Nội đưa ra tại Quyết định 1886 là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật.

Công ty này kiến nghị, để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình cổ phần hóa tại Hacinco, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của Hacinco.

Cụ thể, vốn điều lệ của Hacinco cần được điều chỉnh về số vốn thực góp: Với tổng vốn điều lệ 28,3 tỷ đồng, vốn góp của Nhà nước là 4,55 ỷ đồng (chiếm 16,07%); vốn góp của cổ đông trong DN mua theo giá ưu đãi là 1,89 tỷ đồng (tương ứng 6,67%) và vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch là 21,9 tỷ đồng (tương ứng 77,26%).

Bích Diệp