Hàng chục tỉ đồng vốn ưu đãi chết theo “con tàu ma”
Dư luận ở Thanh Hóa đang rất bất bình trước thông tin dự án con tàu trọng tải lớn nhất địa phương này sau 6 năm vẫn chưa “bơi” được, dù đã ngốn trên 70 tỉ đồng vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Bài 1: Ngân hàng Phát triển bị che mắt hay... nhắm mắt?
Điều tra của PV Lao Động cho thấy có những dấu hiệu của việc làm trái các quy định của pháp luật, điển hình là sự gian dối trong lập dự án, giải ngân… trong vụ con tàu Phương Đông 568.
Đầu năm 2008, Cty TNHH Thành An (P.Đông Thọ, TP.Thanh Hóa) ký hợp đồng số 09/HĐKT với Cty CP công nghiệp đóng tàu Hải Phòng (trụ sở tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) về dự án đóng tàu. Đến nay, đã gần 6 năm trôi qua, tàu Phương Đông 568 (PĐ568), trọng tải 5.300 tấn vẫn nằm bất động tại Hải Phòng.
Mở doanh nghiệp “ma” để lập dự án
Nguồn vốn thực hiện bản hợp đồng trên được NH Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VDB Thanh Hóa) cho Cty Thành An (Cty TA) vay với trên 70 tỉ đồng. Tuy nhiên, để được giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phía Cty TA phải đảm bảo yếu tố là DN vùng biển. Từ đó, ông Ngô Quốc Huy - GĐ Cty TA - gặp ông Lê Trọng Toàn (trú xóm 2, thôn Thắng Hải, xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) mượn nhà nhằm “che mắt” VDB Thanh Hóa để được giải ngân vốn vay.
Ông cụ xác nhận mình chính là Lê Trọng Toàn. “Trước đây bố chị An (vợ ông Ngô Quốc Huy) công tác cùng cơ quan. Năm 2008, vợ chồng An ngỏ ý nhờ mượn nhà tôi đặt làm văn phòng. Tôi đồng ý, nhưng thỉnh thoảng, khi có đoàn cán bộ ngân hàng (NH) đến kiểm tra, vợ chồng Huy mới vào. Do nhà tôi ở trong ngõ sâu nên tôi sang mượn nhà của ông Lê Hữu Hội (cách nhà ông Toàn khoảng 200m) giúp cho vợ chồng An - Huy và chúng nó lấy nơi này làm trụ sở Cty TA. Tôi không dính dáng gì đến đồng tiền, cắc bạc nào của hai cháu. Mới đây, có 5 người đến gặp tôi, họ nói đang công tác ở Bộ CA về điều tra sự việc liên quan đến con tàu PĐ568 của Cty TA. Tôi và ông Hội cũng trả lời như đã nói hôm nay vậy” - ông Toàn cho biết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ông Lê Hữu Hội khẳng định: “Qua ông Toàn, Cty TA đến mượn nhà tôi làm trụ sở. Nhưng tôi thấy lạ là họ làm việc ở đây chỉ hai lần, mỗi lần ba ngày. Tôi nhớ rất rõ, họ đưa nhân viên kế toán và chở một ôtô tải bàn ghế, máy tính, máy in vào sắp đặt rồi treo biển Cty TA ở ngoài cửa. Mấy hôm sau đó, đoàn cán bộ NH đến kiểm tra, xong xuôi rồi DN này lại dọn đồ đạc đi”.
“Bội ước” với đối tác
Sau khi ký hợp đồng số 09/HĐKT giữa Cty TA với Cty công nghiệp đóng tàu Hải Phòng (từ đây viết là Cty CNĐT), dự án chính thức được khởi công. Cuối năm 2010, tàu PĐ568 cơ bản hoàn thiện và rời Cty CNĐT về khu vực cảng Hồng Bàng để triển khai một số công việc do các nhà thầu phụ thực hiện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, tàu PĐ568 vẫn nằm im khiến Cty CNĐT phải có công văn gửi đến VDB Thanh Hoá và Cty TA.
Đầu tháng 11/2011, việc quyết toán, bàn giao tàu PĐ568 chưa đạt được thỏa thuận. Cty CNĐT gửi văn bản tới Cty TA nhưng không nhận được ý kiến phản hồi.
Cty CNĐT ra “tối hậu thư”: “Từ 10 đến 16/11/2011 nếu Cty TA không báo cáo tiến độ hoàn thiện các phần việc của nhà thầu phụ, báo cáo tình trạng tàu PĐ568 và cử cán bộ có thẩm quyền về NM để làm thủ tục đi đến quyết toán thì Cty CNĐT sẽ thuê tàu kéo, kéo tàu PĐ568 về vị trí cầu tàu của NM tại cơ sở 2 để tìm phương án hoàn thiện trong thời gian sớm nhất bàn giao cho phía VDB Thanh Hoá”. Nhưng, đến giữa tháng 11/2013, tàu PĐ568 vẫn đang neo tại Cty CP cơ khí Bắc sông Cấm (xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Theo Linh Nhi