Hàng ăn vỉa hè: "Đi tập huấn vệ sinh thì lấy cái gì cho vào miệng"!

(Dân trí) - Qua ngày 20/1 khi thông tư 30 có hiệu lực thì thực tế cho thấy cấp cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang còn "tuyên chiến miệng” mà chưa sẵn sàng để thực hiện những quy định vệ sinh thức ăn đường phố...

 
Hàng ăn vỉa hè: Đi tập huấn vệ sinh thì lấy cái gì đút vào miệng!
Qua ngày 20/1 khi các quy định trong thông tư 30 có hiệu lực thì tình trạng vệ sinh thức ăn đường phố không chuyển biến
 
“Hỏi lăng nhăng cái gì đấy. Thế nào là sạch, thế nào là bẩn. Đi tập huấn vệ sinh thì lấy cái gì cho vào miệng”, một chủ hàng bán hàng thịt quay tại phố Đê La Thành gắt gỏng khi được hỏi về thông tư 30 quy định người bán hàng phải được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Thực tế đã qua hai ngày siết chặt quy định về an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố  nhưng tới nay hầu như tất cả những người kinh doanh thức ăn bán trên đường đều tỏ ra lạ lẫm với thông tư 30.
 
Chị Nhung, người đi bán dạo cơm nắm dạo tại các trường đại học khu vực đường Xuân Thủy cho biết chị chỉ quan tâm tới chỗ ngồi thuận tiện để bán và tránh công an truy đuổi chứ "nguồn gốc hay chứng nhận ai mà quan tâm".
 
Còn tại dọc tuyến phố Hào Nam nơi vỉa hè được trưng dụng để thành siêu thị đồ ăn nhanh với bún, phở, ốc thì các chủ quán hàng này đều cho rằng những quy định như “bao tay sử dụng một lần”, “khoang chứa thực phẩm chín” hay “giá chứa thực phẩm cao 60cm cách mặt sàn” là những quy định…"tầm phào".
 
“Giò tự làm tự luộc, cơm tôi nấu rồi mang ra bán. Tôi tự chứng nhận nguồn gốc cho thực phẩm của tôi. Chất lượng vệ sinh như thế nào thì phải nhìn khách vào đông hay ít, hỏi họ ăn có ngon hay không. Chứng minh nguồn gốc tôi tự chứng nhận tất”, bà chủ quán hàng cơm nắm, trứng lộn lấy làm bực mình khi PV hỏi chuyện…
 
Tuy qua hai ngày thông tư 30 có hiệu lực, tuy nhiên qua khảo sát của PV tại những tuyến phố tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội thì tất cả đều ngạc nhiên cho biết chưa thấy ai kiểm tra hay tới “hỏi chuyện” gì.
 
Trong cuộc trao đổi trên truyền hình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” khi nói quy định siết chặt vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói:“Rõ ràng không thể để tồn tại những hiện tượng như quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa. Phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh”.
 
Tuy người đứng đầu ngành Y tế nói vậy nhưng thực tế qua hai ngày thông tư 30 có hiệu lực thì cũng không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào.
 
Giải đáp thắc mắc không chuyển biến với thức ăn đường phố, trả lời báo chí ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói đã phân cấp về UBND xã, phường chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện.
 
Theo vị Cục trưởng này thì Thời hạn 20.1 không có nghĩa là hạn để phạt các cơ sở  chưa đủ điều kiện mà là thời điểm có tính chất mốc thời gian để triển khai. “Chúng tôi cũng xác định đây là việc lâu dài. Trước hết chính quyền có trách nhiệm thông báo cho mọi người biết chủ trương, các quy định; thông báo thời gian tổ chức các lớp tập huấn để người bán hàng biết đăng ký tham gia", ông Trung giải thích.
 
V.Hoàng