Hàn Quốc “bùng” coronavirus, chứng khoán Việt thiệt hại 100.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Có tới 570 mã giảm và 100 mã cổ phiếu bị giảm sàn “thổi bay” hơn 100.000 tỷ đồng giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguyên nhân do lo ngại về diễn biến phức tạp của coronavirus.
Diễn biến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch chiều nay (24/2) vẫn tiếp tục tiêu cực. Các chỉ số vẫn đi ngang và kết phiên với tình trạng giảm điểm sâu.
Hoạt động bán tháo khiến VN-Index đóng cửa đánh mất 29,75 điểm tương ứng 3,19% xuống còn 903,34 điểm, khiến mốc 900 điểm của VN-Index một lần nữa bị đe doạ.
Trong khi đó, HNX-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, mất 3,91 điểm tương ứng 3,62% còn 104,18 điểm và UPCoM-Index tương tự mất 1,07 điểm tương ứng 1,9% còn 55,23 điểm.
Dòng tiền chảy vào thị trường khá mạnh để mua cổ phiếu “sale off”, tuy nhiên không cứu được chỉ số. Thanh khoản trên HSX nâng lên mức 291,88 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 5.126,04 tỷ đồng. Con số này tại sàn HNX là 64,94 triệu cổ phiếu tương ứng 710,35 tỷ đồng và trên UPCoM là 14,07 triệu cổ phiếu tương ứng 204,11 tỷ đồng.
Thị trường bị bao trùm bởi sắc đỏ của cổ phiếu giảm giá và màu xanh xám của cổ phiếu giảm sàn. Thống kê cho thấy, có tới 570 mã giảm và 100 mã giảm sàn trên các sàn giao dịch phiên hôm nay, so với 133 mã tăng và 30 mã tăng trần.
Đáng chú ý, cả 30 mã trong rổ Vn30 đều giảm, trong đó có đến 6 mã giảm sàn và qua đó khiến chỉ số Vn30-Index mất tới 31,49 điểm tương ứng 3,62% còn 837,4 điểm.
Trong phiên, BID giảm 3.200 đồng; VIC giảm 2.600 đồng; SAB giảm 2.600 đồng, VNM giảm 2.100 đồng, VHM giảm 2.100 đồng, MSN giảm 1.900 đồng. Một loạt cổ phiếu như VHC, HVN, TCB, HBC, ROS, FLC, HAG… giảm giá kịch sàn. Đặc biệt ROS dù được khớp 3,8 triệu cổ phiếu song vẫn còn dư bán giá sàn hơn 2 triệu đơn vị, không hề có dư mua.
Theo đó, chỉ số chính VN-Index chịu áp lực mạnh, bị thiệt hại tới 3,73 điểm do BID giảm mạnh. Bên cạnh đó, VIC cũng gây thiệt hại 2,55 điểm; thiệt hại do VHM là 2,04 điểm; do VCB là 1,94 điểm; do TCB là 1,62 điểm; do CTG là 1,57 điểm; do VPB là 1,43 điểm và do VNM là 1,06 điểm.
Chỉ trong một phiên đầu tuần, quy mô vốn hoá của sàn HSX “bốc hơi” tới 101.657 tỷ đồng (tương đương với khoảng 4,4 tỷ USD). Tổng vốn hoá thị trường HSX ở thời điểm kết phiên 24/2 là 3,09 triệu tỷ đồng.
Không chỉ chứng khoán Việt Nam mà các thị trường châu Á cũng có một phiên giao dịch khá tồi tệ trong ngày đầu tuần. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng cửa giảm -3,87%, chỉ số Hangseng của Hongkong và Nikkei 225 của Nhật Bản cũng lần lượt giảm -1,79% và -0,39%.
Đánh giá về diễn biến bệnh dịch do virus Covid-19 tại Hàn Quốc, chuyên gia phân tích từ BVSC cho rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam bởi một số lý do sau đây.
Trước hết, việc dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc có thể khiến lượng khách du lịch từ nước này vào Việt Nam giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê năm 2019, khách du lịch từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tới 56% tổng lượng khách đến Việt Nam trong năm qua.
Với việc lượng khách du lịch tới từ Trung Quốc giảm mạnh do dịch bệnh bùng phát khắp tại Trung Quốc, việc lượng du khách đến từ Hàn Quốc giảm mạnh sẽ có có tác động như một "cú đánh bồi" vào ngành du lịch Việt Nam, do khách du lịch từ nước này chiếm tới 29,9% tổng lượng khách du lịch vào Việt Nam trong năm 2019.
Thêm vào đó, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam – vốn đã chịu tác động tiêu cực khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng không mấy tích cực do xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tới 23,2% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó nhập khẩu của Việt Nam từ hai quốc gia này chiếm tới 48,3% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Đáng chú ý, việc dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc có thể sẽ gián đoạn chuỗi cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, do các sản phẩm điện tử của Samsung - chiếm gần tới 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ bị thiếu các sản phẩm đầu vào. Điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia khác.
Mai Chi