1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hạn chót xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh Việt Nam

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo Bộ KH-ĐT trước ngày 30/8 phải trình báo cáo chuyên sâu về tình hình năng lực cạnh tranh cũng như lộ trình xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, để phấn đấu đến năm 2015 công bố Bộ chỉ số này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Phó Thủ tướng lưu ý, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam là vấn đề rất bức bách. Trước mắt, cần xác định rõ các tiêu chí về đánh giá năng lực cạnh tranh, chuẩn bị xây dựng báo cáo quốc gia về phát triển bền vững, về nâng cao năng lực cạnh tranh hàng năm hoặc 2 năm một lần.
 
Hạn chót xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh Việt Nam
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011 - 2012 của WEF, Việt Nam mất điểm 10 trong số 12 chỉ tiêu , xếp hạng thứ 65 trên tổng số 142 quốc gia được khảo sát.
 

Phó Thủ trướng đưa ra thời hạn trước trước 30/8/2012, Bộ KH-ĐT cần xây dựng báo cáo chuyên sâu về vấn đề này và đề xuất các nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể thời gian tới cũng như đề ra lộ trình xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam gửi tới Hội đồng cho ý kiến trong tháng 9/2012. Bộ chủ động đề nghị Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hỗ trợ kỹ thuật và năng lực trong việc xây dựng báo cáo báo cáo cũng như bộ chỉ số của Việt Nam.

Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 xây dựng xong và công bố Bộ chỉ số.

Trước đó, phiên họp đầu tiên của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã đưa ra những nhận định tổng quát về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay.

Thực tế, năng lực cạnh tranh kinh tế vi mô có nhiều hạn chế, thấy rõ nhất là các công ty thiếu chiến lược rõ ràng, hiệu quả hoạt động và trình độ đổi mới sáng tạo thấp, quản trị doanh nghiệp còn yếu. Bên cạnh đó trình độ lao động cũng còn thấp, sự phát triển giáo dục đào tạo chưa theo kịp sự tăng trưởng và nhu cầu của nền kinh tế, môi trường hành chính chưa thông thoáng…

Về hệ thống pháp luật, chất lượng của các văn bản luật được đánh giá tương đối tốt so với trình độ phát triển hiện nay nhưng hiệu quả và hiệu lực của hệ thống pháp luật còn yếu, sự độc lập của hệ thống tư pháp chưa cao. Tính minh bạch của các quy định và tình trạng phải trả các chi phí không chính thức của doanh nghiệp chậm được cải thiện.

P.Thảo