Hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi trong 1 năm

(Dân trí) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là 1 năm.

Hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi trong 1 năm - 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh: Việt Hưng).
 
Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tại Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
 
Theo tờ trình, qua hơn 3 năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả; giúp TTCK phát huy vai trò quan trong đối với nền kinh tế.
 
Tổng khối lượng huy động vốn qua TTCK gần 200.000 tỷ đồng, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng gần 2 lần, từ mức 4,5 tỷ USD trong năm 2007 lên gần 9 tỷ USD trong năm 2009.
 
Cũng trong 3 năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa theo hình thức đấu giá là 206 doanh nghiệp, sổ lượng cổ phần chào bán đạt trên 1.147 triệu cổ phần; giá trị đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, với các doanh nghiệp lớn cổ phần hóa thành công như: Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam…
 
Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể, nhưng do TTCK Việt Nam vẫn trong quá trình hình thành và phát triển, có nhiều yếu tố mới phát sinh, quá trình triển khai thực hiện Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
 
Theo đó, nội dung sửa đổi bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, thị trường giao dịch chứng khoán…
 
Riêng về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ (nghĩa là thực hiện chào bán cho số lượng nhà đầu tư hạn chế) đã được đề cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2005.
 
Thực tiễn cho thấy hoạt động chào bán riêng lẻ và hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng có quan hệ mật thiết với nhau, nhiều đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ có thể dẫn đến chào bán ra công chúng; hoặc một đợt chào bán chứng khoán ra công chúng cũng có thể có chào bán chứng khoán riêng lẻ, khi các công ty đại chúng phát hành chứng khoán cho nhà đầu tư chiến lược hoặc một nhóm nhà đầu tư nhất định.
 
Hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ được bán chủ yếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, không tổ chức công bố thông tin công khai. Vì vậy, theo các nhà soạn luật, cần phải hạn chế chuyển nhượng cổ phần nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành cho số lượng hạn chế rồi chào bán tiếp ra công chúng. Với mục đích đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là 1 năm.
 
Mặt khác, dự thảo Luật cũng đưa ra quy định các đợt chào bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng. Vì trái phiếu chuyển đổi có thể chuyển thành cổ phiếu nên việc đưa ra quy định này nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng chào bán riêng lẻ cho những đối lượng nhất định dẫn đến pha loãng sở hữu của các cổ đông khác. Đồng thời, quy định này còn để đảm bảo nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp trong việc huy động và sử dụng vốn.
 
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Nhằm tránh tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành chứng khoán riêng lẻ với điều kiện đơn giản để chào bán ra công chúng, thoát ly việc kiểm soát, giám sát của cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông hiện hữu và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của thị trường, thì quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
 
Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ vào đối tượng thanh tra và bổ sung hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ vào phạm vi thanh tra tại Điều 109 Luật Chứng khoán, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra và xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm các quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ…
 
Nguyễn Hiền