Hải Phòng thành "quán quân" hút vốn ngoại 7 tháng đầu năm

(Dân trí) - Hải Phòng đã vượt qua rất nhiều tỉnh có năng lực cạnh tranh lớn về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để vươn lên vị trí số 1 về thu hút FDI trong 7 tháng qua. Báo cáo tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng đầu năm 2016 vừa được Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho hay.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư Nước ngoài, hoạt động thu hút và giải ngân vốn FDI trong 7 tháng qua đều khả quan, với đà tăng mạnh của vốn đăng ký. Theo đó, 7 tháng qua, số vốn FDI đăng ký, cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn thực hiện đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2015.

Về số dự án cấp mới, 7 tháng cả nước có 1.408 dự án, với tổng vốn đăng ký là 8,69 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2015. Số dự án tăng thêm, điều chỉnh vốn là 660 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm là 4,24 tỷ USD, tăng 125,7% so với cùng kỳ năm 2015.


Hải Phòng đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, động lực cho tăng thu hút vốn ngoại chắc chắn do hạ tầng, đường cao tốc về địa phương này

Hải Phòng đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, động lực cho tăng thu hút vốn ngoại chắc chắn do hạ tầng, đường cao tốc về địa phương này

Theo báo cáo này, lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đứng vị trí số 1 với 598 dự án đầu tư đăng ký mới và 485 lượt dự án điều chỉnh vốn, vốn cấp mới và tăng thêm là 9,12 tỷ USD, chiếm 70,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 30 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 956,7 triệu USD, chiếm 7,3% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 595,8 triệu USD, chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư...

Về đối tác đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,2 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn 1,39 tỷ USD, chiếm 10,7%; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn 1,37 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư.

Đặc biệt, 7 tháng đầu năm Hải Phòng đã vượt mặt các địa phương vốn có sức thu hút FDI lớn nhất cả nước trong thời gian qua như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai để trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. 7 tháng qua, địa phương này thu hút nhiều dự án với 28 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,987 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đáng nói, trong tháng 4/2016, Hải Phòng thu hút được dự án 1,5 tỷ USD của LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng... Chính vì vậy, đây là lực đẩy khiến nhiều dự án đổ về Hải Phòng trong thời gian qua.

Trong khi đó, Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,686 tỷ USD, chiếm 13%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,45 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau 7 tháng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập (từ cuối năm 2015), xu hướng đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh hơn. Trong 7 tháng đầu năm, số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước ASEAN vào Việt Nam là 2,49 tỷ USD, chiếm 19,26% tổng vốn đầu tư của tất cả các đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng. Trong đó, có 181 dự án cấp mới với tổng vốn 1,968 tỷ USD và 79 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm là 524 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 20/7/2016, có 3.040 dự án từ các nước ASEAN vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,475 tỷ USD. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu với 1.663 dự án, tổng vốn đầu tư 38,1 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn; Malaysia đứng thứ 2 với 13,8 tỷ USD, chiếm 21,5%; Thái Lan đứng thứ 3 với 9,4 tỷ USD, chiếm 14,6%...

Nguyễn Tuyền