Hải Phòng phản hồi vụ bị doanh nghiệp “tố” tận thu phí cảng biển
(Dân trí) - Sau khi bị hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội có ý kiến phản đối về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển, thậm chí có những kiến nghị còn trình lên Thủ tướng, UBND Hải Phòng đã chính thức lên tiếng, trong đó khẳng định mọi vấn đề từ tính pháp lý, quy trình thủ tục ban hành văn bản cho đến mức thu phí đều hợp lý và đúng luật.
Như đã đưa tin, trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp và hiệp hội đã có ý kiến khá mạnh mẽ về tính pháp lý, quy trình ban hành Nghị quyết 148 năm 2016 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hải Phòng về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng Hải Phòng.
Hôm qua (21/2), UBND TP Hải Phòng đã phát thông cáo phản hồi về vấn đề này, trong đó khẳng định Nghị quyết 148 của HĐND TP hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Cụ thể đó là những quy định tại Luật Phí và Lệ phí (hiệu lực từ 1/1/2017), Nghị định 120 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Phí và Lệ phí, Thông tư số 250 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, lãnh đạo TP Hải Phòng cũng dẫn chiếu đến ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Công văn ngày 3/8/2016 về việc giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh xây dựng mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích trong khu cửa khẩu phù hợp với Luật Phí và Lệ phí.
Đồng thời, vào cuối tháng 10/2016, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cửa khẩu biên giới đất liền và cảng biển sớm trình HĐND các cấp ban hành Nghị quyết về thu phí để thực hiện thu từ ngày 1/1/2017.
Nêu ý kiến về vấn đề này, các bộ, ngành đều khẳng định, HĐND TP Hải Phòng ban hành Nghị quyết 148 đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của Luật Phí và Lệ phí. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kiểm tra tính pháp lý và đến nay chưa thấy có quy định trái pháp luật trong Nghị quyết này.
Về trình tự, theo khẳng định của chính quyền Hải Phòng, trước khi HĐND ban hành Nghị quyết thì từ 10/10/2016, UBND TP, Sở Tài chính và UBND quận Hải An đã tổ chức 6 cuộc họp với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cảng biển, xuất nhập khẩu hàng hóa, các hãng tàu, đại lý vận tải biển… để xin ý kiến góp ý.
Toàn văn Đề án thu phí được đăng liên tiếp trên 3 số báo Hải Phòng; truyền thông trên báo An Ninh Hải Phòng, Đài Phát thành và Truyền hình Hải Phòng.
Đến ngày 15/11/2016, HĐND TP tổ chức 99 cuộc tiếp xúc giữa đại biểu HĐND với người dân và các doanh nghiệp. Theo đó, tại cuộc họp này đã báo cáo cử tri về Đề án thu phí và được hầu hết doanh nghiệp, người dân đồng tình, ủng hộ.
Liên quan đến mức thu phí, UBND TP Hải Phòng khẳng định đã tham khảo mức thu phí tại các địa phương có cửa khẩu như Quảng Trị, Tây Ninh, Lào Cai, Quảng Ninh (khu vực cửa khẩu biên giới đất liền) và căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp để xây dựng mức phí.
Theo nhận định của chính quyền TP, mức thu phí của Hải Phòng thấp hơn nhiều so với tỉnh Lào Cai (chỉ bằng 50% đối với container 20 feet và 62,5% với container 40 feet). Đồng thời cho rằng, do Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thu phí tại khu vực cửa khẩu cảng biển nên chưa có cơ sở để so sánh mức thu với các địa phương khác.
Cũng theo TP, việc thu phí này là phù hợp với cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc thu phí được cho là không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu vì thời gian để giải quyết một bộ hồ sơ thu phí khoảng 3 phút, không để tình trạng ách tắc trong quá trình thu phí.
Thời điểm thu phí (từ 3/1/2017) cũng được khẳng định là phù hợp với quy định và doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị để tính toán các chi phí kinh doanh phải nộp.
Bích Diệp