Hai du khách Anh bị đánh tại Trung Quốc vì từ chối hàng giả

(Dân trí) - Tới Quảng Châu (Trung Quốc) du lịch từ tháng 6, đến nay hai phụ nữ người Anh vẫn chưa thể về nước sau tranh cãi liên quan đến những đôi dép nhái nhãn hiệu Gucci. Bị người bán hàng đánh, họ còn bị bắt giam và phải ký bản nhận tội bằng tiếng Trung.

Mary Idowu (trái) và Esther Jubril-Badmos cho biết mình đã bị đánh
Mary Idowu (trái) và Esther Jubril-Badmos cho biết mình đã bị đánh

Bất chấp việc thành viên gia đình họ đã bay từ Anh sang Trung Quốc, đến nay những nỗ lực đưa hai phụ nữ này lên máy bay về nhà đã không đem lại kết quả, do quá trình điều tra phức tạp có thể khiến các du khách này mắc kẹt tại Trung Quốc tới một năm.

Các gia đình trên cho biết họ đã “vỡ mộng” về sự can thiệp của các nhân viên ngoại giao Anh tại Quảng Châu, những người họ khẳng định không làm gì nhiều để giúp mình.

Trước đó, bà Mary Idowu, 59 tuổi và Esther Jubril-Badmos, 48 tuổi, đã đi từ London tới Quảng Châu hôm 16/6 để mua sắm và có kế hoạch ở lại đây một tuần. Tuy vậy sau khi vướng vào một vụ tranh cãi về khoản đặt cọc 500 nhân dân tệ để mua một vài đôi dép, cả hai đã bị cảnh sát địa phương bắt hôm 21/6 tại quận Liwan với tội danh “khiêu khích và gây rối”

Trong thời gian 38 ngày bị giam giữ, visa của họ đã hết hạn khiến hai phụ nữ này mắc kẹt tại Trung Quốc. Họ cũng cho biết rằng cho dù chấp nhận bỏ ra 45.000 nhân dân tệ (gần 7300 USD) để giải quyết vụ việc, cảnh sát đã quyết định hủy việc cho bảo lãnh – một điều kiện cần thiết để xin visa rời Trung Quốc – với lí do cuộc điều tra còn đang tiếp diễn, và có thể kéo dài tới 1 năm.

Jubril-Badmos cho biết bà đã đặt mua 15 đôi dép với giá 150 nhân dân tệ/đôi và đã đưa 500 nhân dân tệ đặt cọc. 3 ngày sau bà tới cửa hàng để nhận hàng nhưng nhận thấy những đôi dép đó lại mang nhãn Gucci. Lo ngại nhãn mác này sẽ khiến mình gặp rắc rối với hải quan Anh, bà yêu cầu cửa hàng đổi lại cho những đôi dép không nhãn mác.

Thế nhưng nhân viên tại chợ quần áo Xinwantong khẳng định bà phải thanh toán tiền cho toàn bộ số hàng giả này, nếu không sẽ mất tiền cọc. Vậy là một cuộc đôi co xảy ra và một nhân viên nam của cửa hàng này đã đấm bà Jubril-Badmos vào mặt, vị du khách nói.

“Ngay lập tức tôi choáng váng. Hắn ta kéo tóc tôi mạnh đến mức nhiều sợi bị bứt ra”, bà Jubril-Badmos nói, và cho biết thêm rằng sau vụ tấn công máu chảy khắp tay phải, mặt và chân bà.

Sau khi cảnh sát tới, hai phụ nữ này cho biết họ bị đưa đi trong khi các nhân viên cửa hàng vẫn bình an vô sự. Sau đó Jubril-Badmos bị cảnh sát địa phương cáo buộc đã khiến nhân viên nam và 3 phụ nữ của cửa hàng này bị thương nhẹ. Cả hai còn cho biết họ bị bắt và thẩm vấn mà không được chăm sóc y tế cho đến khi họ hoàn tất việc lấy lời khai.

Những du khách này được yêu cầu ký tên vào hàng chục tài liệu bằng tiếng Trung Quốc, trong đó có bản viết lời thú tội mà bản thân họ không hiểu gì. Sau khi bị tạm giam 1 tuần, Jubril-Badmos được đưa vào nằm viện 25 ngày do không ngừng bị nôn sau vụ tấn công, trong khi huyết áp tăng mạnh. Còn bà Idowu tiếp tục bị giam cùng với 15 người khác và phải ngủ trên sàn gần nhà vệ sinh.

Tháng trước, các con gái của bà Idowu đã tới Trung Quốc để cố tìm cách xin trả tự do cho mẹ mình. Ngày 29/7, cơ quan công tố quận Liwan đã từ chối xét xử vụ việc, khẳng định chưa đủ bằng chứng. Nhờ vậy cuối cùng họ cũng được cho bảo lãnh tại ngoại. Thế nhưng vụ việc chưa dừng lại ở đây.

Laura Idowu, 20 tuổi, con gái út của bà Mary và là một sinh viên luật tại Anh cho biết: “Thật không thể tưởng tượng nổi và tôi đã kinh ngạc về chính phủ và hệ thống cảnh sát của nước này. Tôi phải tới đây để nhận ra rằng lực lượng cảnh sát có quá nhiều tham nhũng”.

Do quá mong muốn về nhà, họ cho biết cảnh sát đã đề xuất họ giải quyết vụ việc bằng cách bồi thường cho cửa hàng giày dép kia. Tuy nhiên họ được yêu cầu trả tới 207.580 nhân dân tệ (33.658 USD), bao gồm 35.000 nhân dân tệ cho một chiếc vòng ngọc đeo tay và 150.000 nhân dân tệ cho một chiếc nhẫn kim cương của nhân viên cửa hàng.

“Thật không công bằng…Tôi nghĩ họ lợi dụng chúng tôi bởi chúng tôi là người nước ngoài đang ở xứ người”, Jubril-Badmos nói. Cuối cùng họ chấp nhận bỏ ra 45.000 nhân dân tệ để giải quyết vụ việc, nhưng cảnh sát từ chối nới lỏng điều kiện cho tại ngoại với lí do vụ việc đang được điều tra.

Thanh Tùng
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm