Hai đại gia thi nhau mất hơn 240 tỷ đồng là ai?
(Dân trí) - Tuần này không nhiều tin tức nóng về các đại gia. Tuy nhiên, việc hai đại gia mất liền lúc hơn 240 tỷ cũng đủ khiến nhiều người tò mò, xót xa thay…
Đại gia bị mất hơn 245 tỷ tại Eximbank là ai?
Bà Chu Thị Bình, khách hàng bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank được cho là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu Thuỷ sản Minh Phú (cổ phiếu MPC) và là vợ của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC.
Hiện bà Bình đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu của MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ của công ty. Với giá chốt phiên ngày 23.2 của cổ phiếu MPC là 101.600 đồng/cổ phiếu, bà Bình đang có tài sản trên sàn chứng khoán hơn 1.770 tỷ đồng.
Trên thực tế, 245 tỷ đồng bị sếp ngân hàng “cuỗm” đi chỉ là một góc tài sản của nữ đại gia này. Được mệnh danh là “nữ hoàng” chứng khoán đầu tiên của Việt Nam, số tài sản của bà Chu Thị Bình từng ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng, và từng nằm trong Top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà là Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC). Doanh nghiệp này được mệnh danh là “vua tôm”, là tập đoàn thuỷ sản không chỉ đứng Top trong nước mà còn thuộc diện hàng đầu thế giới, sản phẩm có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2006, bà Chu Thị Bình chính là người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và xếp thứ 5 trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thời điểm bấy giờ.
Sau nhiều thăng trầm, biến động của thị trường, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vị trí của bà Bình trên bảng xếp hạng này đã được thay thế bởi những gương mặt nữ tỷ phú khác.
Rộ tin đời tư, gia đình Cường đô la “thủng túi” hàng trăm tỷ đồng
Ngày 22-23/2, báo chí đồng loạt đưa tin Cường Đôla (tên thật là doanh nhân Nguyễn Quốc Cường) về Lạng Sơn thăm nhà bạn gái. Dù cho biết không dính dáng tới các hoạt động trong lĩnh vực giải trí và chỉ muốn tập trung vào kinh doanh, nhưng với hơn 500.000 người theo dõi trang cá nhân Facebook, Phó Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai vẫn rất hút dư luận về những thông tin đời tư.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi tin đồn đời tư rộ lên thì trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai lại diễn biến tiêu cực.
Phiên 23/2, trong khi VN-Index tăng điểm rất mạnh gần 27 điểm (2,49%) nhưng cổ phiếu QCG lại giảm giá 0,75%. Tại phiên 23/2, mức thị giá QCG là 13.200 đồng/cổ phiếu, mức giá này đã giảm 11,4% trong vòng một tháng qua (tương ứng giảm 1.700 đồng mỗi cổ phiếu).
Việc QCG mất giá trên thị trường chứng khoán đã khiến gia đình ông Cường mất khoảng 241 tỷ đồng trong vòng 1 tháng qua.
Theo khẳng định của Phó Tổng giám đốc QCG, sau 3 năm cải tổ, Quốc Cường Gia Lai đã hoàn toàn mới và không còn khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp này hiện sở hữu khoảng 15 dự án bất động sản, nhiều dự án sẽ ghi nhận doanh thu lớn trong gần nhất 3 năm từ 2018-2020 với khoảng 20.000 tỷ đồng, chưa kể các lĩnh vực kinh doanh khác.
Năm 2017, Quốc Cường Gia Lai báo lãi 424 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả 45 tỷ đồng của năm trước. Tuy nhiên, so với mức kế hoạch 720 tỷ đồng thì công ty mới chỉ thực hiện được 59%, nối tiếp chuỗi thất hứa thứ 7 liên tiếp với cổ đông, kể từ năm 2011.
Bầu Hiển chi hơn 1.200 tỷ đồng “đặt cược” vào Vinafood II
Đầu tháng 2/2018, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đã chính thức công bố thông tin về việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo phương án cổ phần hoá, với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, Nhà nước sẽ sở hữu 51% cổ phần Vinafood II, 25% cổ phần được bán cho cổ đông chiến lược và số chào bán ra bên ngoài là 22,97%. Phần còn lại bán cho nhân viên và công đoàn trong tổng công ty.
Thông tin từ Vinafood II cho thấy, đến thời điểm 16 giờ, ngày 27/7/2017, tổng công ty này mới chỉ nhận được duy nhất 1 bộ hồ sơ tham gia nhà đầu tư chiến lược của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Và đây cũng là ứng viên duy nhất gửi hồ sơ xin tham gia làm nhà đầu tư chiến lược Vinafood II đến thời điểm hoàn thiện phương án cổ phần hoá công ty mẹ Vinafood II vào ngày 15/12/2017.
Tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II phải có tối thiểu 3 năm hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông sản, lương thực, thực phẩm. Vốn tối thiểu 2.500 tỷ đồng vào năm 2016, có lợi nhuận sau thuế 3 năm liên tiếp từ năm 2014 đến 2016, tại thời điểm 31/12/2016 không có lỗ luỹ kế.
Sau khi đối chiếu, Vinafood II cho biết, T&T có năng lực tài chính với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong giai đoạn từ 2013 đến 2016 có lãi; có đầy đủ các cam kết khi tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.
Hiện Vinafood II hiện đang trong giai đoạn nỗ lực thoát khỏi nợ nần, thua lỗ do kinh doanh không hiệu quả cùng những lùm xùm sai phạm trong lĩnh vực đất đai.
Tuy nhiên, với 25% cổ phần Vinafood II tương ứng với 125 triệu cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược, tạm tính theo giá khởi điểm của cuộc đấu giá IPO 10.100 đồng/cổ phần, lượng tiền mà T&T phải bỏ ra cho thương vụ này vào khoảng 1.262 tỷ đồng.
Thế Hưng