Thông tin doanh nghiệp tuần qua:
Hai con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng lộ diện; thương vụ lịch sử với Nvidia
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin kinh tế xoay quanh hoạt động của tỷ phú Jensen Huang tại Việt Nam, mà tâm điểm là thương vụ mua lại VinBrain của Nvidia.
Vingroup "bán đứt" VinBrain cho Nvidia
Tập đoàn Vingroup ngày 6/12 công bố thông tin đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty cổ phần VinBrain. Sau chuyển nhượng, VinBrain không còn là công ty liên kết của Vingroup.
Trước đó, sau lễ ký thỏa thuận thành lập 2 trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) với Chính phủ vào tối 5/12, CEO Nvidia Jensen Huang cho biết tập đoàn đã mua lại VinBrain từ Tập đoàn Vingroup để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.
Trang web của VinBrain vào sáng 6/12 cũng cập nhật giao diện với thông báo trở thành một phần của Nvidia, được Nvidia mua lại vào tháng 12 và không còn là một thực thể độc lập.
Theo ông Jensen Huang, Nvidia "rất may mắn" có được sự hợp tác với Vingroup và VinBrain, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Vingroup. Ông khẳng định rằng với VinBrain, Nvidia đã có điểm khởi đầu cho một trung tâm thiết kế tương lai lớn.
Tuy nhiên, tiến trình của thương vụ này vẫn chưa được công bố cụ thể.
VinBrain là công ty liên kết của Vingroup. Báo cáo tài chính của Vingroup cho thấy tính đến cuối tháng 6, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu 49,74% cổ phần tại công ty này. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đã đầu tư 126,6 tỷ đồng vào VinBrain tính đến tháng 12/2023.
Con trai thứ hai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu lộ diện
Tối 6/12, lễ trao giải VinFuture 2024 đã diễn ra nhằm tôn vinh các công trình khoa học và công nghệ đột phá từ gần 1.500 đề cử đến từ hơn 80 quốc gia.
Tại sự kiện mang tầm vóc quốc tế này, ngoài sự có mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các khách mời quan trọng, còn có sự xuất hiện của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng và hai con trai.
Việc hai con trai tỷ phú Vượng là Phạm Nhật Quân Anh (sinh năm 1993) và Phạm Nhật Minh Hoàng (sinh năm 2000) lần đầu công khai xuất hiện cùng cha mẹ tại lễ trao giải VinFuture mang tính biểu tượng, thể hiện sự đồng hành của thế hệ trẻ trong hoạt động của Vingroup.
Trước đó, vào chiều 26/11, trong sự kiện đón tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev cùng phái đoàn thăm và làm việc tại tổ hợp nhà máy VinFast Hải Phòng, đoàn đón tiếp có sự tham gia của ông Phạm Nhật Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty FGF, người từng giữ vai trò Giám đốc marketing toàn cầu của VinFast.
Công ty FGF là công ty chuyên về mua bán và cho thuê xe điện được ông Phạm Nhật Vượng thành lập vào tháng 7 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Người con trai cả của ông Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Quân Anh cũng đã lộ diện trước công chúng từ cuối năm 2023 với vai trò Phó Tổng giám đốc Khối sản xuất VinFast trong lễ ký kết hợp tác với Tập đoàn Marubeni về tái sử dụng pin xe điện.
Google mở công ty tại Việt Nam, hoạt động từ tháng 4/2025
Website của Google cập nhật thông tin rằng các nhà quảng cáo trong nước sẽ thực hiện thủ tục về thuế thông qua Công ty TNHH Google Việt Nam , thay cho Google Asia Pacific trước đây. Việc chuyển đổi sẽ thực hiện từ ngày 1/4/2025.
Theo thông báo, Công ty Google Việt Nam sẽ là đơn vị ký kết hợp đồng và lập hóa đơn cho dịch vụ. Cũng chính công ty sẽ tính 10% thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam.
Đồng thời, kể từ ngày 1/3/2025, các đối tác trở thành khách hàng của bất kỳ sản phẩm nào được liệt kê trong phần Việt Nam, Công ty TNHH Google Việt Nam sẽ là đối tác chính thức chịu trách nhiệm.
Công ty TNHH Google Việt Nam được thành lập từ 31/5/2023, có tên quốc tế là Google Vietnam Company Limited, được quản lý bởi Cục thuế TPHCM và cập nhật mã số thuế lần cuối cùng vào ngày 3/12.
Các ngành nghề kinh doanh chính của công ty là quảng cáo, cùng với đó còn các lĩnh vực bán buôn tổng hợp, hoạt động tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận.
Anh vợ ông Trịnh Văn Quyết rời ghế chủ tịch FLC, cựu CEO tái xuất
Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC trong tuần vừa rồi đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Vũ Anh Tuân - Thành viên HĐQT - làm Chủ tịch HĐQT tập đoàn từ ngày 5/12, thay ông Lê Bá Nguyên vừa có đơn đề nghị thôi giữ chức vụ.
Đồng thời, HĐQT FLC cũng bổ nhiệm bà Bùi Hải Huyền giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn FLC thay ông Lê Tiến Dũng từ ngày 5/12.
Trong lần thay đổi nhân sự này, sự trở về của bà Bùi Hải Huyền gây chú ý. Bà Huyền từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Tập đoàn FLC dưới thời ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT.
Cụ thể, bà từng giữ chức Phó tổng giám đốc FLC từ năm 2015 và được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc từ tháng 3/2020. Đầu tháng 7/2022, bà đảm nhiệm thêm chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC sau khi xảy ra biến cố với việc ông Trịnh Văn Quyết cùng loạt lãnh đạo FLC vướng vòng lao lý.
Cuối tháng 2/2023, bà Bùi Hải Huyền xin từ nhiệm các chức vụ tại FLC. Sau gần 2 năm, bà Huyền đã trở lại với FLC.
Thông tin mới nhất về số phận 19 tập đoàn, tổng công ty
Tại hội nghị tổng kết năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chiều ngày 6/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao công tác quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban. Tuy nhiên Ủy ban cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, phải nỗ lực thay đổi hẳn về hình thức quản lý để các tập đoàn, tổng công ty chủ động trong sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, hiện nay mô hình quản lý của Ủy ban không được quy định trong luật mà hoạt động dựa trên nghị định. Điều này khiến cơ cấu bộ máy nhiều tầng lớp, không có sự phối hợp đồng bộ với các bộ ngành dẫn đến bất cập trong quản lý...
"Do đó, việc Ủy ban thực hiện sáp nhập và chia tách để bộ máy tinh gọn hơn theo yêu cầu của Nghị quyết 18 sẽ giúp doanh nghiệp thực sự lớn mạnh, tạo sự đột phá", lãnh đạo Chính phủ khẳng định.
Như vậy, một bộ phận của Ủy ban sẽ chuyển về Bộ Tài chính, một bộ phận chuyển về các bộ ngành. Do đó, về vấn đề quản lý doanh nghiệp, Chính phủ đang tổng hợp ý kiến, sau đó Ủy ban sẽ họp với các doanh nghiệp và các bộ ngành về cách sắp xếp.
"Quan điểm là đưa các doanh nghiệp trở về với các bộ, ngành bao gồm cả hệ thống cán bộ và quản lý, nhưng mối quan hệ giữa quản lý vốn và quản lý ngành, giữa chủ sở hữu với chủ quản lý vốn phải như thế nào để được hiệu quả nhất. Đây là vấn đề sẽ làm và phải làm rất nhanh, trước ngày 25/2/2025 phải hoàn thành", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.