Hai bộ bất đồng về quản giá cước máy bay

Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp quản lý giá dịch vụ hàng không và giá cước vận chuyển hàng không nội địa theo Thông tư liên tịch số 103 năm 2008 của liên bộ Tài chính - GTVT.

Ông Vũ Công Chính, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết từ đầu năm đến nay đã có 4 doanh nghiệp liên tiếp gửi văn bản đề nghị triển khai thực hiện phương án giá, khung giá và bỏ trần giá vé theo Thông tư 103. Chính phủ cũng vừa có công văn yêu cầu hai bộ khẩn trương hướng dẫn thực hiện Thông tư 103.

Theo Thông tư 103, nhà nước chỉ quản lý giá đối với các đường bay độc quyền. Các đường bay có từ hai hãng trở lên khai thác, nhà vận chuyển được tự quyết định giá vé. Như vậy, giá vé phổ thông trên đường bay quan trọng nhất Hà Nội - TPHCM sẽ không bị khống chế mức trần 1,7 triệu đồng/lượt.

Theo Bộ GTVT, Thông tư 103 “vướng” Luật Hàng không dân dụng vì theo Điều 16, giá cước vận chuyển nội địa do hãng hàng không quyết định trong khung giá do Bộ Tài chính quy định sau khi thống nhất với Bộ GTVT. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính tạm dừng thực hiện thông tư này.

Ông Chính cũng khẳng định Thông tư 103 không chồng chéo giữa Luật Hàng không dân dụng, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá và các văn bản pháp luật có liên quan... Chủ trương của cơ quan nhà nước là dần thu hẹp sự quản lý hành chính giá đối với các mặt hàng mà để thị trường tự điều tiết.

Theo ông Chính, việc Bộ GTVT lo ngại không kiểm soát được giá vé máy bay khi buông là không có tính thuyết phục. Vì cơ quan quản lý giá sẽ kiểm soát trên mức giá mà doanh nghiệp đăng ký. Các yếu tố tính giá rất rõ ràng, bao gồm quy chế tính giá, thuế, mức lợi nhuận và các chi phí hợp lý khác.

Như hồi tháng 3/2009, khi điều chỉnh trần giá vé máy bay, các hãng đề nghị nâng giá từ 1,5 lên 2,7 triệu đồng. Thế nhưng Bộ Tài chính tính toán lại và chỉ đồng ý mức 1,7 triệu đồng. “Công bố mức giá Bộ Tài chính duyệt, các doanh nghiệp đều chấp thuận” - ông Chính cho biết.

Ông Chính cũng cho biết sau tám ngày gửi công văn cho Bộ GTVT nhưng đến nay bộ này vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi. Nếu Bộ GTVT không có ý kiến sớm thì Bộ Tài chính sẽ báo cáo lên Thủ tướng.

Theo Lê Thanh
Báo PL TPHCM