Hà Nội: “Rót” 200 tỷ đồng khoác “áo mới” cho cầu Thăng Long

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đã được trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Việc sửa chữa quy mô lớn dự kiến có tổng mức đầu tư từ 180-200 tỷ đồng.

Cơ quan này đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa mặt cầu trên thế giới, hiện đã trình Bộ GTVT phương án hàn các bu-lông treo trên mặt sắt và sẽ đổ khoảng 6-7cm bê tông sợi lên bề mặt.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, đây là công nghệ của Mỹ, hiện đã làm tại Trung Quốc khoảng 10 cầu và sẽ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Qua nghiên cứu, đánh giá năng lực thực tế, các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể thi công được và chỉ phải nhập một số thiết bị đặc thù.

Phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long hiện đã thẩm định xong và sẽ tiến hành khảo sát thiết kế, kiểm định, thi công. Dự kiến tổng mức đầu tư từ 180-200 tỷ đồng và sẽ được đấu thầu rộng rãi, trong năm 2020 công tác sửa chữa sẽ hoàn thành.

Hà Nội: “Rót” 200 tỷ đồng khoác “áo mới” cho cầu Thăng Long - 1
Hiện trạng hư hỏng mặt cầu Thăng Long diễn ra từ lâu nhưng chưa được sửa chữa triệt để

Cần phải nói thêm rằng, mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn vào năm 2009, giai đoạn 2012 - 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện sửa chữa cục bộ các vị trí bê tông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông, nhưng gần đây do mưa nhiều, dù được sửa chữa nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục bị trồi sụt.

Tổng cục đã liên hệ với chuyên gia Nga trực tiếp xây dựng cầu Thăng Long trước đây (Công ty SK MOST), gửi các tài liệu nghiên cứu của Tư vấn KEI và mời sang Việt Nam để khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, sau một số lần liên hệ trao đổi, đến nay Công ty SK MOST chưa có văn bản trả lời chính thức về thực hiện sửa chữa cầu Thăng Long nên Tổng cục Đường bộ thống nhất với đề xuất của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga về việc loại dự án này khỏi danh sách ưu tiên.

Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho tiến hành lập dự án sửa chữa mặt cầu, yêu cầu Tổng cục phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai các thủ tục để tiến hành kiểm định cầu.

Bộ trưởng GTVT yêu cầu trong năm 2019 các cơ quan liên quan phải cơ bản hoàn thành các thủ tục để đầu năm 2020 tiến hành thi công sửa chữa.

“Đợt sửa chữa lần này phải làm triệt để, chất lượng phải đảm bảo. Trong hồ sơ mời thầu phải ghi rõ các điều khoản ràng buộc đối với nhà thầu như chất lượng công trình phải đảm bảo tối thiểu 10 năm, nhà thầu phải chịu trách nhiệm duy tu…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và đặt ra mốc thời gian hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long là cuối năm 2020, để đồng bộ với cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thông xe cùng thời điểm này.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, được khởi công năm 1974 và hoàn thành vào năm 1985. Cây cầu là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt Nam và Liên xô trước đây, nay là Liên bang Nga. Cầu Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước.

Tính theo đường ô tô thì cầu dài hơn 3km (theo đường sắt dài hơn 5,5km), rộng 21m. Ban đầu công trình nằm trong Tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội, đến nay cầu nằm trên vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm của Hà Nội.

Khi thi công xây dựng, Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó dải đá dăm tạo nhám gắn vào lớn keo này và thảm bê tông nhựa lên. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đưa vào khai thác, lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long đang bị trượt trên bản thép gây xô dồn, nứt ngang mặt cầu.

 Châu Như Quỳnh