Hà Nội: Doanh nghiệp vùng xanh dần hoạt động trở lại

(Dân trí) - Các doanh nghiệp thuộc một số địa phương vùng xanh, vùng cam tại Hà Nội đã dần hoạt động trở lại, nhưng họ lại lo khó khăn trong khâu nhập nguyên phụ liệu.

Đóng trên địa bàn xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) nên trong thời gian giãn cách xã hội, anh Nguyễn Sỹ Điệp, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại công nghiệp An Phú đã phải thực hiện 3 tại chỗ và xét nghiệm Covid-19 cho công nhân 3 ngày/lần. Mỗi nhóm công nhân 15-20 người xét nghiệm tại địa phương mất chi phí 140.000 đồng/người.

Do có đặc thù phải tới công trình thi công, nên ngoài test nhanh, một nửa số công nhân và lái xe trong công ty anh Điệp phải xét nghiệm PCR thường xuyên. Do công ty có quy mô nhỏ, xét nghiệm lại phải thực hiện liên tục trong khoảng thời gian dài giãn cách đã gây tốn kém chi phí lớn cho công ty.

Tuy nhiên, sau khi xã Đặng Xá trở thành vùng xanh, anh Điệp đã tiết kiệm được không ít chi phí. Các công nhân cũng có thể trở về nhà, giúp doanh nghiệp giảm được một phần gánh nặng.

Ngoài ra theo anh Điệp, việc cấp giấy đi đường cho lao động ở vùng xanh cũng đã thuận tiện hơn. Do đó, công nhân có thể đi lại mà không gặp quá nhiều khó khăn. Song theo vị Giám đốc này, điều mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là việc khó khăn trong khâu nhập nguyên phụ liệu.

"Các doanh nghiệp có sự liên kết với nhau, đầu mối nào đứt gãy cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các đầu mối khác", anh Điệp khẳng định.

Hà Nội: Doanh nghiệp vùng xanh dần hoạt động trở lại - 1

Nhiều doanh nghiệp vùng xanh vui mừng vì tiết giảm được chi phí.

Huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã có nhiều xã thuộc vùng xanh. Vì thế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện đang dần hoạt động bình thường trở lại và tiết giảm được chi phí sản xuất. Nhưng theo ông Nguyễn Quý Sơn, Giám đốc Công ty CP gốm sứ Quang Minh, đặc thù doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) sát địa phận Hưng Yên, có nhiều lao động đến làm từ ngoài tỉnh.

Dù địa phương đã nới lỏng công tác phòng dịch trên địa bàn, nhưng ông Sơn vẫn phải thực hiện 3 tại chỗ và duy trì 20% số công nhân làm việc liên tục tại công ty. Số công nhân này cũng thường xuyên phải xét nghiệm Covid-19 3 ngày/lần.

Trở lại hoạt động sau đợt giãn cách xã hội, ông Hoàng Công Định, Giám đốc công ty CP Thương mại Dịch vụ sửa chữa ô tô Petrolimex cho biết, người lao động trong công ty gặp nhiều khó khăn với việc đi lại. Có trường hợp, công nhân đi làm ca sáng được chấp thuận mẫu giấy đi đường, nhưng buổi chiều trở về lại được thông báo chưa phù hợp.

Ông Định cho hay, người lao động trong công ty đến từ nhiều địa phương khác nhau, nên công ty muốn xin đăng ký tiêm vắc xin sớm để sớm hoạt động ổn định trở lại.

Hà Nội: Doanh nghiệp vùng xanh dần hoạt động trở lại - 2

Doanh nghiệp ông Định gặp khó khăn trong việc đi lại của công nhân.

Theo chia sẻ của anh M.N.V., chủ một doanh nghiệp may mặc đóng trên địa bàn quận Long Biên, doanh nghiệp vẫn chưa dám hoạt động trở lại. Mà nguyên nhân là do người lao động vẫn ở trong vùng đỏ, không thể tới xưởng làm việc.

Ngoài ra, việc nhập vải tại các chợ đầu mối cũng bị đình trệ do không thể tới xem hàng trực tiếp. Hàng hóa sản xuất ra cũng không bán được nên anh V. quyết định cho doanh nghiệp tiếp tục nghỉ. 

Chiều 3/9, UBND TP Hà Nội quyết định thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.

Thời gian thực hiện phân vùng tính từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9 (tức 15 ngày).

Trong đó, phân vùng 2: Được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với vùng 1. Vùng này sẽ bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Tại phân vùng 2, Hà Nội sẽ đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn. Các cơ quan liên quan có thể chia vùng 2 thành từng phân khu nhỏ để tổ chức thực hiện đảm bảo "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" để cho các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.