Hạ lãi suất, vốn vay chỉ nên ở mức 11%

(Dân trí) - “Nếu khu vực dân doanh không tiếp cận được vốn thì nền kinh tế sẽ là một nền kinh tế lệ thuộc. Có thời kỳ chúng ta duy trì lãi suất huy động vốn chỉ 7%-8% và cho vay 10%-11%/năm, nên hướng tới trong năm 2013 chỉ nên duy trì ở mức này”.

TS.Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã nói như vậy xung quanh việc hạ lãi suất trong thời gian tới.

Huy động vốn trong dân không khó (ảnh minh họa).
Huy động vốn trong dân không khó (ảnh minh họa).

Theo nhận định của ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, việc hệ thống ngân hàng giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là “rất quan trọng”. Bởi khi hạ lãi suất, các thành phần kinh tế và người dân sẽ có nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn; đặc biệt là sắp tới sẽ triển khai những gói hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường quốc lộ 1A, quốc lộ 14 sẽ tạo điều kiện kích cầu trong xây dựng.

“Một vấn đề kích cầu nữa là tích cực kiểm tra những dự án quy hoạch treo để thu hồi và xóa bỏ những dự án không cần thiết. Khi đó, người dân tập trung vào sửa chữa, xây dựng nhà thì chúng ta sẽ giải quyết được hàng tồn kho trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, khi các dự án bị thu lại thì nhu cầu đầu tư xây dựng bệnh viện, ký túc xá cho sinh viên sẽ được triển khai tốt hơn”, ông Ngân nói.

Cũng theo đánh giá của ông Ngân, mức độ gia tăng lạm phát hiện nay là điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất, nếu lấy mức độ tăng giá tiêu dùng để làm căn cứ điều chỉnh lãi suất. Bởi theo tính toán của ông Ngân, lạm phát tháng này chỉ còn từ 0,1 - 0,2%/tháng và trong thời gian tới nếu lạm phát có tăng thì cũng chỉ vì lý do khách quan bên ngoài chứ không thể do chủ quan. Sang năm nếu lạm phát tăng thì chủ yếu là do yếu tố về chi phí xăng dầu thế giới, về giá lương thực, “nhưng nếu giá lương thực tăng thì phải vui vì đó là sự chia sẻ với nông dân. Năm nay chúng ta thành công là đã chặn được đà tăng của lạm phát, đó là thành công của Chính phủ, tuy nhiên đau đớn hơn là giá lương thực thực phẩm của nông dân lại đứng và xuống”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Ông Ngân nhấn mạnh thêm: “Năm tới nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là chống suy giảm kinh tế và tăng cung tín dụng cho khu vực dân doanh. Tôi cảnh báo nếu khu vực này không tiếp cận được vốn thì nền kinh tế của chúng ta sẽ là một nền kinh tế lệ thuộc, đây là một vấn đề nguy kịch và nghiêm trọng được đánh giá trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Về lãi suất, có thời kỳ chúng ta duy trì lãi suất ở mức huy động vốn chỉ 7% - 8% và cho vay 10% - 11%/năm trong một thời kỳ dài, cho nên hướng tới trong năm 2013 chỉ nên duy trì ở mức này”.

Còn theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện vẫn còn dư địa để giảm lãi suất nhưng thời điểm nào là tùy thuộc vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước khi căn cứ vào các điều kiện cụ thể trong nước.

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và chi phí vay vốn hợp lý để họ có thể hấp thụ được vốn. Chúng ta không lo ngại việc không huy động được tiền đồng từ dân cư khi thực hiện cắt giảm lãi suất, bởi ở nước ngoài lãi suất chỉ 2-3%, tại sao người ta vẫn huy động được? Nhìn lại dữ liệu lịch sử của chúng ta thì tiền gửi của dân cư vẫn đông. Là người đi gửi tiền, tôi tin đại đa số người dân sẽ nhìn nhận ở dưới góc độ hài hòa xã hội, giữa lợi ích của người đi gửi - lợi ích ngân hàng - lợi ích người đi vay để không quay lưng với kênh huy động vốn này”, ông Ngoạn nói.

Trước một vài thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang tính toán để giảm lãi suất, theo nhận định của TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, việc điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản sẽ không có tác động nhiều đến nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. “Điều quan trọng là phải làm sao để giảm được lãi suất thực tế, tức là lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Để làm được điều này, chúng ta phải giải quyết được cái nghẽn của nền kinh tế hiện nay”, ông Lịch cho hay.

Còn nhớ, trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và chất vấn của đại biểu Quốc hội vừa qua, đại đa số đại biểu cho rằng: Vấn đề bị ách tắc hiện nay của nền kinh tế chính là “cục máu đông” nợ xấu. Nợ xấu có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nguyên nhân do lỗi của người cho vay, của người đi vay, kinh doanh đa ngành, phần lớn tập trung vào bất động sản.

Năm 2008 nền kinh tế đã suy sụp, nhưng chúng ta cố gắng giữ bằng cách năm 2009 đưa ra gói kích cầu, nhà đầu tư tưởng có luồng gió mới nên tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Cuối cùng thì "bong bóng" bất động sản xẹp và nợ xấu lại xấu thêm. Do đó, khi nợ xấu được giải quyết thì “mạch máu” trên cơ thể kinh tế mới lưu thông tốt.

Nguyễn Hiền