Hạ lãi suất, ngân hàng kiếm lời từ đâu?
(Dân trí) - Xu hướng đầu tư vào trái phiếu chính phủ và tín phiếu dự báo sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm. Bức tranh chung của ngành khó sáng hơn khi con số nợ xấu đang tăng trở lại và VAMC gần như “đóng băng” trong việc hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu.
Giới phân tích dự báo, NHNN có thể giảm thêm từ 0,5%-1%/năm trần lãi suất huy động.
CPI tháng 8 thấp - liệu có khả năng giảm lãi suất?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Đáng chú ý, nhóm hàng lương thực đảo chiều tăng trở lại trong tháng 8/2014 với mức tăng khá mạnh (+0,45%) sau khi giảm 3 tháng liên tiếp trước đó. Giá lương thực tăng chủ yếu do giá gạo. Theo thống kê của Agrimonitor, việc xuất khẩu một lượng lớn gạo qua đường tiểu ngạch đã khiến cho nguồn cung trong nước bị co hẹp, vì thế mà không đủ đáp ứng đối với nhu cầu xuất khẩu các đơn hàng lớn mới đây tại Malaysia và Philippine, đẩy giá gạo tăng cao.
Ngoài ra, tháng 8 là thời điểm điều chỉnh mức viện phí và học phí song mức tăng của nhóm thuốc, dịch vụ y tế và giáo dục chỉ khoảng 0,22%, thấp hơn nhiều so với các lần trước. Điều này cho thấy tác động từ việc điều chỉnh các hàng hóa công lên lạm phát đã dần dịu bớt và không còn ảnh hưởng đáng kể.
Trong báo cáo phân tích phát hành cho nhà đầu tư, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, từ nay đến cuối năm, yếu tố gây áp lực lên lạm phát chỉ còn yếu tố mùa vụ, hai đợt giảm giá xăng gần nhất là yếu tố đối trọng. Do đó, có thể kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Gần đây, RongViet Research đã tiến hành khảo sát về diễn biến lãi suất cho vay trong nửa đầu năm 2014 của khoảng 20 tổ chức tín dụng. Theo đó, mức giảm chung đối với lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay là khoảng 50-100 điểm cơ bản đối với hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn. Và mặc dù định hướng chính về điều hành lãi suất của năm 2014 là giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên, mức giảm lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay không khác biệt nhiều so với mức giảm trần lãi suất huy động ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện vào khoảng tháng 3/2014.
Vào thời điểm giữa năm, dư luận đưa ra nhiều ý kiến đề xuất bỏ trần lãi suất huy động, tuy nhiên, Rồng Việt cho rằng trần lãi suất huy động đang đóng vai trò như một mốc “neo” về chính sách điều hành. Với diễn biến lạm phát thấp từ đầu năm đến nay, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN có thể giảm thêm từ 0,5%-1%/năm trần lãi suất huy động. Từ đó, lãi suất cho vay tiếp tục được định hướng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hơn nữa trong những tháng còn lại của năm.
Bài toán sinh lợi của các ngân hàng
Đối với khả năng sinh lợi của các ngân hàng, dễ nhận thấy với xu hướng giảm lãi suất, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của hầu hết các ngân hàng đều giảm so với cuối năm 2013. Trong đó, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động bình quân (Interest spread) của các NHTM diễn biến khá sát với mức giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tỷ lệ NIM có mức giảm ít hơn, như vậy có khả năng các NHTM đã tìm cách cân đối tài sản để biên lợi nhuận chịu tác động ít hơn từ ảnh hưởng của xu hướng giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, theo quan sát của Rồng Việt, tỷ trọng chứng khoán đầu tư (phần lớn là trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc) đều tăng ở hầu hết các ngân hàng. Ở hai ngân hàng lớn là VietinBank và Vietcombank, tỷ trọng chứng khoán đầu tư lần lượt là 20% và 24% (tăng so với mức 15% và 22% vào thời điểm cuối năm 2013). Điều này cũng phần nào lý giải cho sự sôi động của kênh huy động trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước và hoạt động phát hành tín phiếu của NHNN từ đầu năm đến nay.
Theo đánh giá của chuyên viên ngành, xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm và bức tranh chung của cả ngành khó sáng hơn khi con số nợ xấu đang tăng trở lại và VAMC gần như “đóng băng” trong việc hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu.
Hôm qua (26/8), Vietcombank vừa ra thông báo giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Việc điều chỉnh hạ lãi suất nếu đúng như kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực đối với TTCK và gia tăng thêm sự hưng phấn cho dòng tiền, đặc biệt là trong những phiên giao dịch gần đây - theo Rồng Việt.
Mai Chi