Nhà băng lớn đồng loạt phát tín hiệu hạ lãi suất huy động

(Dân trí) - Một số nhà băng lớn như: Vietcombank, BIDV, ACB… lại một lần nữa đi đầu trong việc phát tín hiệu giảm lãi suất huy động VND trên thị trường. Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng thương mại, đặc biệt ngân hàng lớn, đã giảm thêm từ 0,1 - 0,5%/năm.

Kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất.
Kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất.
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Giật mình ông trùm Thái Lan ‘càn quét’ Việt Nam
* Hàng Việt Nam "thua đau" Trung Quốc: Tiên trách kỷ!
* "Đại gia" đồ ăn nhanh Burger King tiến hành vụ sáp nhập đình đám
* Lên phương án chuyển 7.000 lít hóa chất độc khỏi vịnh Hạ Long

Hôm qua 25/8, Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố biểu lãi suất huy động mới, với mức giảm lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động VND của Sở Giao dịch Vietcombank đã giảm thêm 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn; mức cao nhất 7%/năm hiện không còn trên bảng niêm yết.

Sau điều chỉnh, kỳ hạn 1 tháng đã chính thức xuống dưới mức 5%/năm, còn 4,8%/năm; các kỳ hạn ngắn 2 - 9 tháng chỉ còn từ 5% - 5,7%/năm; mức cao nhất 6,8%/năm áp cho các kỳ hạn từ 24 - 60 tháng.

Được biết, mức công bố của Sở Giao dịch là tham chiếu cho các chi nhánh khác áp dụng, tùy địa bàn và cân đối nguồn nên lãi suất ở một số địa bàn có thể khác. Còn ở một số phòng giao dịch, mức lãi suất huy động mức cao nhất vẫn là 7%/năm.

Như vậy, đây là lần thứ hai kể từ đầu năm, Vietcombank chủ động điều chỉnh lãi suất huy động VND, cũng là ngân hàng áp các mức thấp nhất trong hệ thống hiện nay.

Cùng với việc chủ động phát tín hiệu hạ lãi suất huy động của Vietcombank, khảo sát trên thị trường sáng nay 26/8 cho thấy, một số nhà băng lớn cũng đã có sự điều chỉnh ở bảng lãi suất.

Tại BIDV, lãi suất huy động VND cũng đã có sự điều chỉnh so với trước đây, hiện kỳ hạn 1 tháng còn 4,5%/năm; 5%/năm kỳ hạn 2 tháng; 5,75%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng; 6%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng; 6,5%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng và 7,2%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn 18,24,36 tháng được ngân hàng này áp dụng chung mức lãi suất huy động 7%/năm.

Vào cuối tuần trước, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã giảm mức lãi suất huy động tiền đồng xuống mức 5,3%/năm đối với kỳ hạn 1, 2 tháng; 5,4%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng; 6%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng; 6,2%/năm kỳ hạn 9 tháng và 6,8%/năm kỳ hạn 12 tháng…

Như vậy, với việc một số nhà băng phát tín hiệu giảm lãi suất huy động, thị trường đang hướng tới một đợt giảm lãi suất huy động và cho vay trong tương lai gần. Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất huy động có giảm vẫn đảm bảo mức lãi tiền gửi thực dương cho người dân so với lạm phát. Thế nên, một số ngân hàng có nguồn vốn huy động dồi dào đã nhanh tay cắt giảm lãi suất, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với sản xuất, kinh doanh.

Theo nhận định từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát ổn định tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Đối với trái phiên Chính phủ, mức lợi suất có xu hướng giảm rõ rệt từ đầu năm 2014. Còn đối với hệ thống ngân hàng, lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay.

Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến tháng 7/2014, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2013; trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm so với tháng12/2013.

“Với lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh”, báo cáo cho hay.

Còn theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, các ngân hàng huy động vốn tăng 6,98% so với cuối năm 2013, trong đó huy động bằng VND tăng 7,92%, huy động bằng ngoại tệ tăng 1,31%. Thanh khoản của các ngân hàng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Trong khi đó, tính đến 31/7, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 3,68% so với cuối năm 2013.

Như vậy, có thể thấy rằng, với nguồn tiền huy động dồi dào từ các tổ chức và dân cư, trong khi nguồn vốn ngân hàng chưa thể “hấp thụ” tốt vào nền kinh tế, thì kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất là có thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm sẽ không diễn ra đồng nhất ở các ngân hàng…

Nguyễn Hiền
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước