1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gửi vàng ngân hàng: vào dễ, rút khó

Nhiều khách hàng cho hay, gửi vàng ngân hàng thì dễ nhưng lúc rút ra lại rất khó, lãi suất chẳng đáng là bao, nhưng nếu không gửi mà để vàng ở nhà lúc nào cũng lo "ngay ngáy".

Gia đình chị Nhi (ngụ ở Trung Kính – Hà Nội) có mua được một ít vàng để dành. Thấy giữ vàng ở nhà cả năm trời không sinh được đồng lãi nào, trong khi giá vàng hiện còn giảm so với hồi giữa năm ngoái, chị Nhi tính đợi giá lên cao sẽ bán đi, đổi sang VND để gửi tiết kiệm. Cách đây khoảng gần 2 tháng, gia đình chị có một chuyện xảy ra khiến chị cảm thấy để vàng ở nhà không yên tâm, liền mang đi gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, chị qua các ngân hàng Việt Á, ACB, Sacombank hỏi gửi vàng thì họ yêu cầu không được rút trước hạn, kỳ hạn gửi thấp nhất là 1 tháng. Chị Nhi nghĩ nhỡ có việc gì cần đến tiền, hay giá vàng đột ngột tăng cao mà không được rút bán thì bất tiện quá, chị đành cầm vàng về. Sau đó, nghe bạn bè giới thiệu, chị mang vàng ra Ngân hàng Techcombank gửi vì được rút trước hạn.

“Nếu rút vàng trước hạn thì khách hàng chỉ được hưởng lãi suất bằng 0, điều này tôi chấp nhận bởi lãi suất gửi vàng cũng chỉ xoay quanh 2%/năm, chẳng đáng là bao. Tôi gửi ở nhà băng cho an tâm, chứ không phài vì lãi suất”, chị Nhi nói.

Gửi vàng ngân hàng: vào dễ, rút khó - 1
Gửi vàng ngân hàng có rất nhiều hạn chế so với gửi VND (Ảnh minh họa)

Thế nhưng rắc rối lại xảy ra khi chị đi rút vàng. Sau Tết, có thời điểm giá vàng lên 46 triệu đồng/lượng. Chị Nhi tranh thủ giá cao, ra ngân hàng rút vàng để bán. Nhưng khi tới một phòng giao dịch của ngân hàng này trên đường Lê Văn Lương, chị nhận được câu trả lời là chi nhánh chưa tiếp vàng, khách gửi vàng muốn rút phải gọi điện thông báo trước 1 hôm. Chị ra các phòng giao dịch của nhà băng này trên phố Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái cũng nhận được câu trả lời tương tự. “Tôi rất bức xúc vì khi tôi gửi vàng, nhân viên ngân hàng không thông báo gì với tôi về việc muốn rút vàng phải gọi điện báo trước một ngày, để tôi khỏi mất công. Hơn nữa, thường khi giá vàng cao khách mới đi rút vàng, nhưng làm sao họ đoán trước được hôm sau giá vàng sẽ tăng mạnh để gọi điện báo trước. Đến hôm sau khi tôi rút được vàng ra thì giá đã giảm xuống dưới 45 triệu đồng, như vậy là tôi đã không bán được vàng ở mức giá cao”, chị Nhi nói.

Cũng theo chị Nhi, thật ra lúc đi rút vàng không được, nhân viên giao dịch có nói với chị là nếu chị muốn bán vàng thì có thể bán lại cho nhà băng và nhận tiền mặt. Song so sánh thấy thời điểm đó, giá vàng tại ngân hàng và trên thị trường tự do chênh nhau khá lớn, nên chị đã không bán cho nhà băng.

Tương tự chị Nhi, nhiều người gửi vàng ở các ngân hàng như ACB, Việt Á khi đi rút vàng cũng không phải lấy được ngay. Ngân hàng Việt Á cũng yêu cầu khách phải báo trước thì nhà băng mới tiếp vàng ra và chuyển về các phòng giao dịch. Còn ngân hàng ACB ở Hà Nội thì khách gửi vàng ở phòng giao dịch nào, phải về phòng giao dịch đó rút, hoặc lên chi nhánh ACB Hà Nội ở số 184 – 186 Bà Triệu, chứ không phải cứ rút trong mạng lưới chi nhánh của nhà băng là được.

Như vậy, so với gửi tiết kiệm VND, gửi vàng vào ngân hàng có nhiều hạn chế hơn hẳn. Thứ nhất đó là lãi suất gửi vàng thấp hơn nhiều, phổ biến ở mức 2%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi VND ở mức 14%. Thứ hai, đó là hầu như các ngân hàng đều tung ra các chương trình khuyến mãi để huy động VND quanh năm, trong khi với huy động vàng gần như không có một ưa đãi nào. Bên cạnh đó, khách gửi VND khi cần tiền bất cứ lúc nào đều có thể rút được, nếu rút trước hạn vẫn được hưởng lãi suất không thời hạn khoảng 2,5 – 3%/năm. Còn khách gửi vàng khi rút lại gặp không ít khó khăn.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chính thức đề cập đến việc xây dựng Đề án huy động vàng trong dân. Tuy chưa có các thông tin cụ thể, nhưng đề án này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Hiện, lượng vàng người dân đang nắm giữ được ước tính lên tới 300 – 500 tấn vàng. Lượng vốn này được cho là có ý nghĩa không nhỏ với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện đang thiếu tiền cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, với nhiều hạn chế của việc huy động vàng hiện tại mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng, nếu các chính sách đi kèm không thoáng và hợp lý thì rất khó để huy động được số vàng này từ dân. Bởi thói quen đã ăn sâu vào người Việt xưa nay là “vàng giắt lưng”, lúc nào cũng phải để vàng bên mình để phòng thân, làm ăn, mua đi bán lại kiếm lời.
Theo Đông Nhiên
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm