“Gục ngã” trên đống tài sản - Kỳ 3: Bán lỗ vẫn ế

Kinh tế khó khăn, nhiều người dân cắt giảm chi tiêu khiến lượng hàng tồn ở những ngành hàng tiêu dùng như nội thất, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chế biến... tăng mạnh.

“Gục ngã” trên đống tài sản - Kỳ 3: Bán lỗ vẫn ế
Khu vực bán hàng điện tử, điện máy vắng vẻ (ảnh chụp chiều 10/4 tại một siêu thị ở Q.7, TP.HCM).

 

Chi phí đầu vào tăng mạnh do lãi suất cao ngất ngưởng, đầu ra cho sản phẩm lại khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải bán bớt tài sản để cầm cự qua ngày.

 

Sức mua thấp và chậm

“Nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá khiến tâm lý người tiêu dùng bây giờ rất bất ổn, họ thiên về phòng thủ hơn là sẵn sàng chi tiêu, mua sắm. Một tháng mà có đến ba lần điều chỉnh tăng giá gas, rồi xăng và các mặt hàng khác cũng tăng giá khiến người dân không đủ can đảm mở hầu bao” – ông Trần Bá Dũng (phó giám đốc Công ty túi xách Hương Mi)

Ngay bên cạnh siêu thị điện máy HM (đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM) là một kho chứa khoảng 300 máy lạnh Hitachi. Chị Lan, nhân viên trông giữ kho hàng, cho biết toàn bộ số hàng tại kho được nhập về từ đầu năm nhằm tung hàng bán dịp đầu hè, nhưng nhiều người đến xem là chính, mua mới chỉ lác đác vài chiếc.

 

Ông Đinh Anh Huân, giám đốc dienmay.com, cho biết thị trường điện máy đang đứng trước cuộc thử lửa. Thay vì tăng giá ít nhất 10-18% để đảm bảo lợi nhuận thì sức mua quá thấp dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải tung khuyến mãi, bán lỗ.

 

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cho biết không chỉ hàng tiêu dùng xa xỉ mà ngay nhóm thực phẩm nếu không có khuyến mãi cũng khó bán. Từ đầu năm đến nay, các dịp lễ 14-2, 8-3, 26-3 hay sinh nhật siêu thị... đều được doanh nghiệp tận dụng để tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm đẩy hàng. Thế nhưng kết quả không mấy khả quan, sau mỗi đợt khuyến mãi nhà sản xuất phải rút hàng ế về thay đổi bao bì cho phù hợp với mùa lễ kế tiếp vì hàng không ai mua, tình trạng này thường rơi vào mặt hàng mỹ phẩm, bánh kẹo.

 

Trong danh mục hàng hóa khuyến mãi của nhà bán lẻ, nhóm hàng tiêu dùng như đồ nhựa, hóa mỹ phẩm... luôn có mức giảm nhiều nhất, sau đó là thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác. Chủ cơ sở may chăn drap gối nệm ở Q.Tân Bình cho biết có nhiều chương trình khuyến mãi, siêu thị đề nghị mức giá bán thấp đến mức cầm chắc lỗ nhưng doanh nghiệp cũng đành chấp nhận để đẩy được hàng tồn, có tiền trả lãi, đáo nợ cho ngân hàng.

 

Ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Big C miền Nam, thừa nhận các chương trình khuyến mãi thực hiện hiện nay tại siêu thị nhận được sự hợp tác hào hứng từ phía doanh nghiệp hơn những năm trước.

 

Ông Trương Minh Thuận, giám đốc Công ty thực phẩm Seaspimex, cho biết lượng hàng tồn chiếm 30% vốn điều lệ của công ty, khi quay về thị trường nội địa, bài toán hàng tồn nan giải hơn do sức mua thấp và chậm. Mặt hàng thực phẩm có vòng đời lưu thông trên thị trường trong thời gian nhất định, một khi không bán được đồng nghĩa hàng bị trả về do cận hạn sử dụng, lỗi... xem như mất.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Lâm, phó giám đốc Saigon Food, thừa nhận lượng hàng tiêu thụ đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2011.

 

Bán bớt tài sản và... đóng cửa

 

Ông C., giám đốc Công ty thực phẩm H (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết đang rao bán toàn bộ dây chuyền máy móc sản xuất bánh gạo, bánh quy các loại sau hơn hai năm nhập về do càng sản xuất càng lỗ. Dây chuyền này được mua với giá gần triệu USD, nhưng giá rao bán hiện nay chỉ vài tỉ đồng.

 

Theo ông C., hàng tồn kho nhiều trong khi chi phí đầu vào tăng không ngừng, sản xuất nữa thì lỗ, công ty đã “trùm mền” dây chuyền sản xuất bánh từ năm ngoái và hiện bắt đầu rao bán.

 

Cho đến nay, ngành điện máy có lẽ chứng kiến nhiều cuộc “gục ngã” nhất của các doanh nghiệp bán lẻ khi từ cuối năm ngoái và hiện nay hàng loạt cửa hàng, siêu thị điện máy lớn nhỏ lần lượt đóng cửa. Theo Bộ Công thương, tiêu thụ một số mặt hàng tiếp tục giảm như máy điều hòa nhiệt độ giảm tới 81,8%, tivi giảm 6,1%... cho dù đây là những mặt hàng chính trong thời điểm chuyển mùa, nhiều doanh nghiệp dù tuyên bố thanh lý hàng tồn, giảm giá để đóng cửa nhưng vẫn không đẩy nổi hàng.

 

Sau một thời gian rút hàng dần để cầm cự, mới đây siêu thị Best Caring Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) đã chính thức đóng cửa vì ế. Chuỗi cửa hàng Thế giới số 24g của Nguyễn Kim tại TP.HCM ra mắt rầm rộ năm ngoái, duy trì một thời gian cũng lần lượt đóng cửa trả mặt bằng. Một số cửa hàng điện máy còn cầm cự cũng trong tình trạng nhân viên... đông hơn khách. Theo giám đốc một trung tâm điện máy ở Gò Vấp, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa, phá sản trong quý 2 khi nhiều thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng và các hợp đồng thuê mặt bằng đến lúc hết hạn.

 

Ăn nhậu cũng giảm

 

Nhiều đầu mối bán sỉ, lẻ các loại nước giải khát cho biết bia và nước ngọt từ đầu năm đến giờ rơi vào tình trạng “ế chưa từng thấy”. Theo anh Việt Hùng - một đại lý tại khu vực chợ Gò Vấp, trước đây mỗi ngày đại lý nhập 40-50 thùng bia các loại về để bỏ mối cho các cửa hàng cũng như bán lẻ, tuy nhiên từ đầu năm đến nay số lượng hàng nhập đã giảm mạnh còn 20-30 thùng mỗi ngày chỉ vì bán không được. Hầu hết các đầu mối nhập hàng tại đại lý cũng đã giảm 30-40% lượng hàng so với năm ngoái.

 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ba tháng đầu năm 2012 sau khi loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ tăng 5%, đây là mức tăng thấp so với mức tăng trên 10% trong vài năm trở lại đây.

 

Theo Như Bình – Tuấn Dũng

Tuổi trẻ