1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

GS.TS Đặng Hùng Võ: “Thất thoát nguồn thu vì cách tính giá đất”

(Dân trí) - GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, trọng tâm vấn đề thất thoát nguồn thu từ đất hiện nay nằm ở cách tính giá đất. Bảng giá đất theo đúng quy luật của pháp luật thì phải phù hợp với thị trường, cho phép chênh lệch với thị trường chỉ tối đa là 20%.

Bên lề Hội thảo Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, GS.TS Đặng Hùng Võ (Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường) đã có cuộc trao đổi với báo giới.
 
GS.TS Đặng Hùng Võ: “Thất thoát nguồn thu vì cách tính giá đất”
GS.TS Đặng Hùng Võ.

Theo ông, vấn đề thất thoát nguồn thu từ đất hiện nay chủ yếu do nguyên nhân gì?

Hiện nay vấn đề nguồn thu vẫn chưa được thực, hay nói cách khác là mức thu hiện nay giảm rất nhiều so với mức có thể thu được theo đúng quy định của pháp luật. Trọng tâm ở đây nằm ở vấn đề tính giá đất.

Giá đất tính theo bảng giá của UBND cấp tỉnh so với thị trường thực thì hiện nay đang thấp hơn khá nhiều. Ở trung tâm các đô thị lớn có thể chỉ bằng 10%, những nơi khác ở mức độ cao từ 50 - 60%. Như vậy, bảng giá đất theo đúng quy luật của pháp luật thì phải phù hợp với thị trường, cho phép chênh lệch với thị trường chỉ tối đa là 20%.

Chúng ta thấy rằng từ bảng giá đất thấp như vậy so với giá trị thực của thị trường, khoản thất thu của Nhà nước là rất lớn. Mà hiện nay, điều này lại được thừa nhận như là đương nhiên, kể cả từ thuế sử dụng đất cho tới thuế chuyển quyền, thuế thu nhập từ chuyển quyền.

Ngoài ra, thất thu cho ngân sách nhà nước lại nằm ở tiền sử dụng đất khi giao đất cho các nhà đầu tư. Một nguồn thu ngân sách rất lớn hiện nay là từ 80% là tiền sử dụng đất khi giao đất cho các nhà đầu tư. Nếu việc giao đất, về nguyên tắc của pháp luật phải giao theo giá đất được định giá phù hợp thị trường cho từng khoảng đất một. Tuy nhiên, việc định giá cho phù hợp thị trường chúng ta có thể thấy trong thực tế có những nơi cố gắng lắm thì vẫn thấp hơn thị trường đến 30%, thậm chí có những nơi chỉ bằng 50% giá thị trường. Khoản thu này sẽ còn làm cho nhà nước thất thu nhiều hơn nữa. Đấy là chưa kể tiền thuế đất cũng là khối lượng rất lớn, nhưng hiện nay giá cũng bị xác định thấp hơn thị trường.

Đây là những thực tế mà đáng lẽ nguồn thu từ đất phải được cao hơn rất nhiều, song chúng ta lại đang thu ở mức độ thấp hơn so với khả năng có thể thu thực theo quy định của pháp luật

Trong Đề án tăng nguồn thu từ đất mà Bộ Tài chính vừa đưa ra bàn luận, có việc bỏ khung thuế đất. Theo đánh giá của ông, vấn đề này có khả thi hay không?

Đề xuất là bỏ khung giá đất của Chính phủ, hay nói cách khác sẽ yêu cầu các bảng giá của các tỉnh sẽ điều chỉnh cách tính làm sao cho phù hợp với thị trường, yêu cầu các tỉnh phải thực thi cách tính theo đúng pháp luật. Tôi cho rằng đây là một đề xuất hợp lý.

Thực tế hiện nay tại TP.HCM và Hà Nội, khi dư luận thắc mắc tại sao bảng giá cao nhất chỉ là 86 triệu, các nhà quản lý lại trả lời rằng khung giá của Chính phủ cũng chỉ thế thôi. Điều này có thể thấy rằng, việc nhà nước chuyển trách nhiệm định giá theo giá thị trường tại các địa phương cũng phải trên nguyên tắc các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp sao cho địa phương đó phải phù hợp thị trường.

Cũng tại đề án tăng thu từ đất, Bộ Tài chính đề xuất việc di dời tài sản công sản, ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Tính khả thi hiện nay nhiều người cũng bàn. Rất nhiều trường đại học, cơ sở sản xuất được chỉ định di dời ra ngoài, thậm chí các cơ quan các Bộ cũng đang lần lượt có kế hoạch ra ngoài. Theo tôi đây là chủ trương hoàn toàn đúng.

Chúng ta nên dành những không gian trung tâm của đô thị cho những khu vực dịch vụ, thương mại phát triển. Còn cơ quan hành chính thì chúng ta nên có quy hoạch về những vùng mà giá trị đất thấp hơn để đỡ tốn kém tiền của nhà nước vào những việc lo liệu, sắp xếp đất đai. Những khu đất vàng nên để nó phát huy giá trị vàng thật chứ không nên để sử dụng làm các cơ quan hành chính sự nghiệp. Đây là xu hướng đúng, tuy nhiên thực thi thì có nhiều khó khăn.

Về tính khả thi của đề xuất này hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý quyết tâm thì tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ được. Chỉ có điều trong vấn đề này vẫn còn có nhiều ngần ngại, nhiều lợi ích đan xen của việc chuyển đất cũ của cơ quan hành chính sự nghiệp sang đất thương mại thì giá trị chênh lệch cũng rất lớn. Câu chuyện xử lý như thế nào cho thỏa đáng trong bài toán lợi ích ở đây thì cũng là câu chuyện gây nên phức tạp trong quá trình thực hiện. Tôi cho rằng, chúng ta cần một cơ chế minh bạch. Tiếp theo là quản lý cũng cần phải rõ ràng, có sự giám sát của cộng đồng, của các cơ quan bên ngoài và đặc biệt là có sự giám sát của người dân. Một khi chúng ta có quyết tâm, có kỷ luật hành chính tốt, có sự giám sát, có sự tham gia của cộng đồng thì tính khả thi sẽ cao hơn.

Nếu được đề xuất, ông sẽ đề xuất thêm giải pháp gì cho vấn đề này?

Hiện nay chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ như câu chuyện thực tế hiện nay là tại sao trên hợp đồng chuyển nhượng của người dân hay các cơ quan, tổ chức kinh tế luôn luôn giá bao giờ cũng rất thấp, thậm chí là còn thấp hơn bảng giá của UBND cấp tỉnh. Đây là hành vi hướng tới việc trốn thuế. Đây cũng chính là một trường hợp điển hình gây thất thoát cho nhà nước. Nếu giá trị ghi trên hợp đồng đúng với giá trị thực thì chắc chắn nhà nước sẽ tăng nguồn thu được hơn rất nhiều.

Đây cũng là cách thức để rèn cho người dân khi làm thủ tục hành chính thì phải thật thà, đừng để một cơ chế hành chính mà khiến cho những người thực hiện thủ tục hành chính có cơ hội trục lợi, dối trá gần như đương nhiên. Có như thế, chúng ta mới giải quyết được vấn đề định giá đất, lúc đó bài toán định giá đất mới phù hợp thị trường.

Thêm một trường hợp nữa, hiện nay chúng ta vẫn còn thừa nhận, theo kiểu đi đường vòng, một Bộ hay một cơ quan hành chính, sự nghiệp chuyển nhượng đất cho một tổ chức kinh tế trong quá trình chúng ta quy hoạch lại, sắp xếp lại công sản. Điều này đặt ra câu hỏi liệu pháp luật có nên cho các đơn vị hành chính sự nghiệp chịu trách nhiệm cao nhất với tài sản được giao với giá đất cụ thể theo thị trường, chịu trách nhiệm về tài sản đó và họ có quyền được sử dụng tài sản đó trực tiếp chứ không phải đi đường vòng như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

 

 Sẽ kiến nghị bãi bỏ khung giá đất

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài Chính và Bộ Tài nguyên & Môi trường thống nhất sẽ kiến nghị Chính phủ bãi bỏ khung giá đất do không còn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Cường, Luật Đất đai hiện hành có 3 công cụ định giá đất. Chính phủ quyết định khung giá đất chung cho cả nước tương ứng với từng loại đất và vị trí đất. Căn cứ khung giá đất này, UBND cấp tỉnh quyết định bảng giá. Trong trường hợp bảng giá chưa sát, UBND quyết định giá cụ thể.

Việc Chính phủ quyết định khung giá rất có tác dụng trong giai đoạn đầu vì đây là căn cứ để đưa ra bảng giá. Khung giá đất vừa thể hiện quan hệ cung cầu, mục tiêu kinh tế chính trị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, khung giá đất đã tỏ ra mất hiệu quả. Trong khi đó việc sửa và xây dựng lại khung giá lại rất công phu và phức tạp.

Vì vậy, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất. Sau khi bỏ khung giá, Chính phủ sẽ quy định phương pháp, nguyên tắc để UBND được xác định giá. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên & Môi trường có văn bản hướng dẫn, UBND căn cứ giá thực tế chuyển nhượng để quyết định bảng giá. Bảng giá đất này sẽ làm “kỹ” hơn bảng hiện nay.

Để sát thị trường hơn, UBND cấp tỉnh có thể quyết định một mức giá cụ thể bằng cách sử dụng tư vấn, sau đó, đưa ra hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

 

An Hạ (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm