Grab “thâu tóm” Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
(Dân trí) - Việc sáp nhập của Uber vào Grab tại Việt Nam được cho là câu chuyện tương tự ở Trung Quốc. Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Khi xuất hiện một người “khổng lồ”, chúng ta thường có tâm lý lo ngại, nhưng tôi cho rằng đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt”.
Vấn đề nói trên được ông Khuất Việt Hùng đề cập tại cuộc tọa đàm: “Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?”, do báo Giao thông tổ chức sáng nay (6/4).
Mới đây, Grab chính thức thông báo đã hoàn tất thương vụ thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á và khẳng định đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực.
Sau sáp nhập, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, đồng thời CEO của Uber sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab. Uber cũng đã gửi email thông báo chính thức tới tất cả khách hàng về việc sẽ chuyển giao toàn bộ hệ thống khách hàng tại Việt Nam sang Grab từ ngày 8/4 và khuyến cáo khách hàng tải app Grab để sử dụng.
Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt? Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng dẫn lại câu chuyện 7-8 năm trước khi không biết Uber là ai. Khi Uber vào Việt Nam, chúng ta chưa biết Grab là gì. Việc sáp nhập của Uber vào Grab tại Việt Nam cũng tương tự như Uber nhượng thị phần ở Trung Quốc.
“Khi xuất hiện một người “khổng lồ” chúng ta thường có tâm lý lo ngại, nhưng tôi cho rằng việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber, là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp.
“Không có cơ hội nào không bao hàm thách thức, nhưng tôi cho rằng cơ hội hiện nay rõ rệt hơn. Câu chuyện của Grab, thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác.” - ông Hùng nói.
Với tâm thế của taxi truyền thống, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - nêu quan điểm cho rằng, trước khi vào Việt Nam, Uber và Grab đã nghiên cứu kỹ pháp luật nước ta, tìm kẽ hở để tăng lợi thế cho mình.
“Grab và Uber sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường. Ban đầu, họ tạo ứng dụng để thu hút người tiêu dùng kèm theo đó là các khuyến mại cực lớn, điều mà taxi truyền thống không thể đáp ứng được bởi phải nộp thuế cao hơn nhiều.” - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết.
Vị này cũng bày tỏ, ngay sau khi Uber và Grab vào Việt Nam, taxi truyền thống đã tiếp thu công nghệ và tạo cho mình ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự và nhìn nhận đây cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp taxi truyền thống.
“Chúng tôi đã có đề xuất làm tổng đài chung tuy nhiên, các doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm, đã có tên tuổi không ủng hộ.” - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay.
Ông Nguyễn Công Hùng một lần nữa bày tỏ, Hiệp hội taxi Hà Nội đã kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng của Hiệp hội Taxi Hà Nội và đang đặt công ty phần mềm thiết kế. Hiệp hội chỉ có nguyện vọng tạo sự bình đẳng, công bằng trong kinh doanh và cơ sở đánh giá là chất lượng phục vụ.
Châu Như Quỳnh