1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Grab phạt tiền khách nếu trễ quá 5 phút: Chiêu mới gây tranh cãi

(Dân trí) - Grab vừa có thông báo gửi tới khách hàng về việc thu phí “Xe chờ quá 05 phút”. Thông báo này ngay sau đó nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều...

Grab phạt tiền khách nếu trễ quá 5 phút: Chiêu mới gây tranh cãi - 1
Theo Grab, 100% số tiền thu từ phí “Xe chờ quá 05 phút” sẽ được chuyển cho tài xế.

Grab vừa có thông báo gửi tới khách hàng về việc thu phí “Xe chờ quá 05 phút” đối với khách đặt Grab nhưng để xe chờ quá 5 phút. Việc thu phí này sẽ chính thức bắt đầu tư ngày 10/10 tới đây.

Thông tin này ngay sau đó nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Chị Bảo Anh – một nhân viên văn phòng thường sử dụng taxi công nghệ để di chuyển cho rằng, việc áp dụng mức phí này nhằm hạn chế tình trạng đặt xe nhưng không đi hoặc để tài xế chờ đợi quá lâu. Đồng thời tài xế cũng được “bù đắp” phần nào đối với những khách hàng thiếu thiện chí, đặt xe rồi “bom” tài xế.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ, chị Bảo Anh lo ngại khoảng thời gian 5 phút là ngắn, bởi nhiều khi di chuyển từ toà nhà cao tầng có thể gặp một số trở ngại như thời gian thang dừng lại quá lâu.

“Có mức phí này, nhiều tài xế có thể thay vì cố gắng chờ đợi thêm 1-2 phút sẽ ngay lập tức huỷ chuyến sau đúng 5 phút. Điều này có thể làm nhỡ việc của khách nếu họ đang vội mà phải đặt cuốc khác”, chị Bảo Anh chia sẻ.

Nhiều khách hàng khi được hỏi cũng đồng tình cho rằng, mức phí này có phần thiếu công bằng đối với khách hàng. Bởi việc tài xế để khách hàng đợi chờ “dài cổ” không phải hiếm gặp. Nếu như vậy, tại sao khách hàng không được giảm phí bởi thời gian đối với ai cũng đều quan trọng.

“Thiết nghĩ nên để khách hàng và tài xế tự thoả thuận với nhau, nếu tài xế thích có thể chờ, thấy lâu qua thì huỷ, Grab không cần can thiệp”, anh Thế Tiến, một người từng dùng dịch vụ xe ôm công nghệ chia sẻ.

Một độc giả có tên Đức Tín cũng gửi phản ánh tới Dân trí, cho rằng việc thu phí chờ 5 phút quá ngắn và rất dễ phát sinh tranh cãi. Độc giả này kể, rất nhiều lần đặt xe Grab sau đó đợi chờ tài xế rất lâu, thậm chí có hôm phải đứng dưới cả trời mưa.

“Nếu giờ thu phí khách như vậy có thoả đáng không, dù không phải là số tiền lớn. Chẳng hạn trường hợp trẻ con, quên đồ chạy vào nhà lấy ra khóa cửa chắc cũng mất hơn 5 phút, chạy ra lại thấy tài xế huỷ chuyến và buộc phải trả phí rồi. Theo tôi nên để thời gian là 10 phút, như vậy hợp lý hơn”,

Một độc giả khác đồng tình cho rằng cần có giải pháp hạn chế việc khách tới điểm hẹn trễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của tài xế. Song, việc thông báo sẽ "phạt" khách đi xe là chưa hợp lý và dễ gây tranh cãi giữa khách hàng và tài xế.

Bởi thực tế có nhiều trường hợp lái xe thường bấm "arrived/đã đến nơi" trước khi họ thực sự đến/có mặt ở điểm hẹn. “Như thế sẽ khó để có thể giám sát và tính xem thời gian thực chờ là bao nhiêu phút cho đến khi 2 bên gặp nhau, nhất là trong bối cảnh tắc đường như hiện nay, xe Grab đến cách điểm hẹn chỉ vài chục mét, nhưng có khi mất vài phút len lỏi mới có mặt đúng chỗ hẹn”, một ý kiến của độc giả.

Cũng theo độc giả này, không nên áp dụng kiểu “nắm đằng chuôi” là trừ tiền khách hàng trong thẻ hay ví điện tử khi chưa đưa ra phương án rõ ràng để giám sát và giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có), nhất là trong bối cảnh giao thông còn hay bị tắc như hiện tại ở thành phó lớn của Việt Nam.

“Hy vọng các hãng xe công nghệ còn lại sẽ sáng suốt để không tìm cách "phạt" khách hàng kiểu Grab thế này”, độc giả này kiến nghị.

Theo thống kê của ABI, 6 tháng đầu năm 2019, trong 200 triệu chuyến xe ở Việt Nam được đặt qua các ứng dụng, Grab chiếm tới 146 triệu chuyến, tương đương 73% thị phần.

Được biết, sau khi mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3 năm ngoái, Grab gần như "một mình một chợ" trên thị trường xe công nghệ ở Việt Nam.

Được kỳ vọng là đối thủ xứng tầm với Grab khi ra mắt, Go-Viet nhanh chóng gây chú ý với tuyên bố của lãnh đạo công ty mẹ Go-Jek rằng hãng đã giành được 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động.

Nhưng sau hơn một năm đặt chân tới Việt Nam, Go-Viet và các đối thủ khác dường như vẫn chưa lung lay được vị trí chiếm lĩnh của Grab...

Nguyễn Mạnh