1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Phiên toà Vinasun kiện Grab:

Grab lý giải về việc kinh doanh thua lỗ hơn 1.726 tỷ đồng

(Dân trí) - Ngày 19/10, tòa kinh tế - TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.

Hơn 90% người dân xem Grab là taxi

Tại phiên tòa hôm nay Vinasun - đại diện nguyên đơn dẫn ra kết quả khảo sát của một đơn vị truyền thông, cho biết có đến hơn 90% người dân xem Grab là taxi. Nguyên đơn cũng chỉ ra báo cáo 4 năm (2014-2017) của Grab cho thấy doanh nghiệp này báo lỗ 1.726 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 20 tỷ. Từ đó, nguyên đơn đề nghị Grab giải thích "nếu báo lỗ thì lấy tiền đâu hoạt động".

Không nhận là taxi, đại diện Garb khẳng định là công ty công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối người dùng và đối tác vận tải. Đối với việc quản lý lái xe, khách hàng, giá cước, hóa đơn... Grab cho biết cùng hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã để quản lý.

44106557_175657613343763_512835205564727296_n

Đại diện Grab lý giải về việc kinh doanh thua lỗ nặng.

Liên quan việc phạt tiền tài xế, Grab nói rằng, hình thức này sẽ tốt hơn là ngừng kết nối hoặc chấm dứt với họ. Đây là nguyên tắc ứng xử đạo đức trong hợp tác giữa các bên.

Bị đơn từ chối trả lời về số tiền hoạt động vì cho rằng vượt quá phạm vi vụ kiện và đây là "bí mật kinh doanh". "Việc hỏi nhiều câu không liên quan đến nội dung vụ kiện và cố tình dẫn dắt dư luận đi sai hướng cho thấy mục đích thật sự của Vinasun với vụ kiện này không đơn thuần là cáo buộc thiệt hại gần 42 tỷ đồng, mà còn nhằm lợi dụng hệ thống tư pháp để gây sức ép và xóa bỏ nỗ lực ứng dụng công nghệ", đại diện Grab nêu ý kiến.

Tiếp đó, đại diện Viện KSND TPHCM hỏi về khoản lỗ hơn 1.726 tỷ đồng từ năm 2014 đến 2017 của Grab. Trong đó, năm 2017 doanh nghiệp này thu về 750 tỷ đồng nhưng thất thoát đến 788 tỷ.

Theo Grab, khoản thiệt hại trên phần lớn đến từ việc thưởng cho đối tác, tài xế và nghiên cứu phát triển công nghệ thay vì các gói khuyến mãi.

Tiếp theo, đại diện Viện kiểm sát hỏi tiếp về việc có đặt mục tiêu về lợi nhuận không? Grab khẳng định: "Đã kinh doanh thì tất nhiên phải có mục tiêu về lợi nhuận và chúng tôi cũng ký kết với các nhà đầu tư. Tỷ lệ giữa lỗ và lợi nhuận của chúng tôi ngày càng được rút ngắn, nếu phát triển thuận lợi chắc chắn sinh lời trong tương lai".

Bị đơn chỉ ra doanh thu 2017 gấp 700 lần so với 2014 và có dấu hiệu chuyển sang lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh thu tăng thì chi phí cũng phải tăng để đầu tư cho việc phát triển bền vững lâu dài của công ty.

Doanh nghiệp này cũng cho biết có 170.000 lái xe, đóng thuế năm 2017 là 198 tỷ đồng, riêng 9 tháng đầu năm nay đóng 270 tỷ. Mới đây công ty nhận được hợp đồng đầu tư trị giá 3 tỷ USD và khẳng định tổng thuế đóng cho Việt Nam năm 2018 sẽ gấp 3 lần năm ngoái.

Grab đề nghị hoãn phiên tòa

Giải thích lý do kiện Grab khi chính mình cũng tham gia Đề án 24, Vinasun cho biết, mục đích của doanh nghiệp là phát triển phần mềm công nghệ, số lượng ít (377 xe) và luôn tuân thủ về thuế, cách điều hành, quản lý... Còn Grab thay vì cung cấp phần mềm đã trực tiếp can thiệp vào quá trình hoạt động như một đơn vị giao thông vận tải nhằm tránh thuế.

"Số lượng xe của Grab rất lớn nhưng khai lỗ, trong khi Vinasun ít xe mà nộp thuế trên 1.200 tỉ đồng. Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, song phải tuân thủ theo luật, nộp thuế đầy đủ", đại diện Vinasun nhấn mạnh.

44223942_347226726022633_4434808197047386112_n

Về phía Vinasun tố Grab "trốn thuế".

Tiếp tục cho rằng Grab là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun, phía nguyên đơn cho biết, doanh thu của công ty tăng trưởng tốt khi Grab chưa xuất hiện tại Việt Nam. Đến năm 2015-2016, Grab tác động thị trường ở TPHCM nên công ty bị thiệt hại dù vẫn nỗ lực đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, nguyên đơn còn cho rằng, việc tăng số lượng xe đột ngột của Grab đã gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng cũng như bùng nổ hợp tác xã. Hơn 300 hợp tác xã được lập ra chỉ để bán phù hiệu mà không biết số lượng xe, quy định giá cước... Grab có 170.000 lái xe nhưng lại không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội cho họ cũng như các tài xế không được hưởng các quyền lợi khác...

Phía Grab nói mục đích tham gia Đề án 24 là hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải kết nối dễ dàng hơn với người dùng thông qua việc cung cấp công nghệ. "Bên cạnh chở khách, chúng tôi còn hỗ trợ giao thức ăn, tài liệu... Đây cũng là xu hướng chung của công nghiệp 4.0 mà chúng tôi muốn hướng đến", bị đơn cho biết.

Đại diện Grab giữ nguyên quan điểm "tòa án không có thẩm quyền" giải quyết vụ kiện này, đề nghị HĐXX dừng phiên xử để triệu tập Công ty Cửu Long nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Vinasun.

Ngày 22/10, phiên tòa tiếp tục tranh luận.

Xuân Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm