Google - 10 năm tung hoành thị trường internet
(Dân trí) - 10 năm trước, 7/9/1998, hai cử nhân trẻ của Đại học Stanford cùng nhau cho ra đời một công ty với cái tên khá lạ: Google. 10 năm sau, đây là một trong những cái tên nổi tiếng và quyền lực nhất thế giới internet. Larry Page và Sergey Brin trở thành những tỷ phú.
10 năm sau ngày thành lập, Google đã trở thành một cỗ máy kiếm tiền đồ sộ. Chỉ tính riêng quý II năm nay, doanh thu của tập đoàn đã đạt 5,7 tỷ USD, đem về lợi nhuận ròng 1,25 tỷ USD - kết quả không tồi đối với một công ty trung gian và trực tiếp quảng cáo trực tuyến.
Bí quyết thành công
Một trong những bí quyết thành công của Google tất nhiên là thuật toán của công cụ tìm kiếm trên internet. Trong lĩnh vực này, Google đã thành công tới mức ngày nay nhiều người dùng từ “google” thay cho “tìm kiếm” (search).
Tuy nhiên, bí quyết thành công của Google không chỉ có thế. Quan trọng không kém gì công nghệ là cơ sở dữ liệu khổng lồ, giúp Google chiếm ưu thế về cả quy mô, tốc độ và hiệu quả tìm kiếm trên internet ngay cả khi số lượng người dùng ngày một tăng.
Bên cạnh đó, không thể không kể tới tầm quan trọng của hai “cỗ máy kiếm tiền” của Google: AdWords - công cụ quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ tương ứng với các từ khóa tìm kiếm của Google, và AdSense - các hợp đồng chia sẻ doanh thu từ quảng cáo mà Google đặt trên website của các bên thứ 3.
Chiến lược của Google khôn ngoan ở chỗ, họ không bán chỗ quảng cáo cho doanh nghiệp trả giá cao nhất mà là cho doanh nghiệp phù hợp nhất. Việc này giúp tăng tối đa sự hài lòng cho người sử dụng dịch vụ của Google, từ đó đem lại những cú click chuột có giá trị hơn tới website của đơn vị đặt quảng cáo.
Đã có một số ý kiến cho rằng Google chẳng qua chỉ giỏi dùng thủ thuật, và những đối thủ cạnh tranh có công cụ tìm kiếm mới, có thể tốt hơn, hoàn toàn có thể “hất cẳng” Google. Tuy nhiên, bằng sự kết hợp ăn ý 3 yếu tố công nghệ, cơ sở dữ liệu và các công cụ quảng cáo, đến nay, Google vẫn mặc sức tung hoành thị trường, như là một công cụ tìm kiếm trực tuyến được yêu thích nhất thế giới.
“Đế chế” Google
Trang Google có thể là một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, nhưng tập đoàn cho biết họ có những mục tiêu cao hơn việc chỉ là một công cụ internet có nhiều người tin dùng.
Một bản tuyên bố của tập đoàn đã khẳng định rằng nhiệm vụ của Google là sắp xếp kho thông tin của thế giới và khiến nó trở nên hữu dụng và có thể tiếp cận trên toàn cầu.
Với tiêu chí đó, nhiều năm qua, Google đã cho ra đời nhiều công cụ và dịch vụ đầy sáng tạo và tiện ích cho người sử dụng, như Gmail, Google Docs, Picasa, Google Earth & Maps, Blogger, dịch vụ video YouTube... Thoạt trông, tất cả có vẻ chỉ như những sản phẩm “ngẫu hứng” của Google, nhưng nếu nhìn bao quát hơn có thể thấy đó là những mảnh ghép nhỏ trong “trò chơi xếp hình” của Google.
Mọi thao tác tìm kiếm mà chúng ta thực hiện, mọi công cụ mà chúng ta sử dụng đều giúp Google thu thập thông tin và kiến tạo xã hội thông tin. Google đã khôn ngoan tạo ra một vòng tròn khép kín để “trói chân” khách hàng: càng thu thập được nhiều thông tin (từ chính hành vi tìm kiếm của người dùng), Google càng cho kết quả tìm kiếm tốt hơn, người tiêu dùng càng hài lòng, các đơn vị quảng cáo càng tiếp cận được với nhiều khách hàng, lợi nhuận càng lớn.
Rút cục, không có gì là “miễn phí”, nhưng Google đã thực hiện một cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi với tất cả người sử dụng công cụ tìm kiếm của họ. Google khiến người dùng hài lòng, còn người dùng tạo cơ hội cho Google kiếm bộn.
Google ngày càng phát triển lớn mạnh vì thế giới internet ngày càng rộng mở. Không thể xác định đâu là điểm kết của internet, khi mà ngay cả những thiết bị như tủ lạnh, khung ảnh kỹ thuật số hay điện thoại di động đều là một phần của thế giới internet.
Trong khi đó, Google liên tiếp tung ra những “chiêu” mới của mình, mới đây nhất là trình duyệt internet mang tên Chrome, hứa hẹn mang tới những trải nghiệm trực tuyến mới đầy thú vị và tiện ích cho người sử dụng.
Nếu “thu phục” được người dùng internet bằng công cụ này, Google sẽ càng thu thập được thêm nhiều thông tin, từ đó củng cố sức mạnh thị trường.
Sắp tới đây, Google sẽ trình làng một phần mềm khác có ý nghĩa khá quan trọng trong chiến lược của tập đoàn, đó là bản chính thức của hệ điều hành Android dùng cho điện thoại di động có kết nối internet.
Đối tác hay đối thủ?
Từ một công ty nhỏ do hai sinh viên mới ra trường thành lập cách đây 10 năm, đến nay Google đã phát triển tới quy mô bao phủ thị trường. Vào cuối năm 2007, tập đoàn có 16.800 nhân viên, và ước tính hiện nay mỗi tuần thuê thêm khoảng 100 nhân viên mới.
Tuy nhiên, khi Google ngày càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của mọi người, thì càng có nhiều công ty thuộc ngày càng nhiều ngành nghề phải băn khoăn tự hỏi không biết công cụ tìm kiếm này là đối tác hay đối thủ cạnh tranh, hay thậm chí là kẻ phá hoại các mô hình kinh doanh. Khẩu hiệu của Google có thể là “Thứ gì bạn có thể làm thì tôi có thể làm tốt hơn - và miễn phí”.
Sự lớn mạnh và bành trướng của Google khiến các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của tập đoàn luôn phải chịu sức ép, dù đó là Microsoft hay Yahoo. Bằng chứng là dù ở thế cạnh tranh nhưng cả hai đã buộc phải đồng ý ký thoả thuận chia sẻ doanh thu với Google, bằng việc hợp tác quảng cáo với Google.
Ngay cả một số người đang vui vẻ trả tiền quảng cáo cho Google cũng có cảm giác "ấm ức", với lời than phiền rằng sự thống lĩnh thị trường của Google khiến họ mất quyền lựa chọn.
“Tam trụ” của Google
Dù nền kinh tế thế giới đang rơi vào khó khăn, nhưng Google vẫn kỳ vọng doanh thu tiếp tục tăng, vì dịch vụ quảng cáo của họ có tính tập trung cao và gần như có thể chắc chắn khả năng thành công. Họ cho rằng chỉ những phương tiện truyền thông kiểu cũ, với đối tượng phục vụ lớn nhưng “loãng” mới phải lo lắng.
Và để trấn an các nhà đầu tư, ban lãnh đạo Google cam kết rằng họ sẽ không rơi vào cái bẫy của Yahoo, đó là cố biến Google thành một công ty truyền thông.
Giám đốc điều hành của Google, ông Eric Schmidt, đã nói rằng một trong những quy tắc chung của Google là không sở hữu nội dung, mà chỉ phối hợp. Tuy nhiên, lằn ranh này đang ngày càng mờ nhạt. Khó có thể chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa các phương tiện truyền thông kiểu cũ với Google News hay YouTube. Chỉ biết rằng hiện tại Google vẫn hùng mạnh và đang tiến về phía trước.
Hai người sáng lập tập đoàn, Larry Page và Sergey Brin có nhiệm vụ giữ vị trí tiên phong của Google về công nghệ, còn ông Schmidt có trách nhiệm đảm bảo rằng tiền vẫn chảy về “túi” Google.
Đặng Lê
Theo BBC