Gom lợn mỡ bán sang Trung Quốc
Đúng như kỳ vọng của nhiều người chăn nuôi khu vực Đông Nam Bộ, giá thu mua lợn (heo) đã tăng lên mức 46.000 – 47.000 đồng/kg do ảnh hưởng của việc thương lái Trung Quốc (TQ) liên tục gom lợn mỡ trong thời gian qua.
Nhưng đằng sau hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ...
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo và khuyến cáo bà con nông dân, cần thận trọng không nên ồ ạt vỗ béo lợn, bởi chỉ cần thương lái TQ ngừng nhập hàng, giá lợn có thể lại giảm thê thảm.
Lợn “quá lứa” đắt hàng
Sáng 26/8, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, vừa có một đoàn thương lái TQ liên lạc với ông để chuẩn bị vào Nam thu mua lợn mỡ, tức lợn quá lứa, có trọng lượng từ 100kg trở lên để mang về nước. Tuy nhiên, sau nhiều ngày thu gom để cung cấp cho thương lái TQ, lượng lợn quá lứa trong dân không còn nhiều, ông Đoán hẹn với bạn hàng chờ thêm vài ngày nữa.
“Lợn quá lứa là do hồi mấy tháng trước giá xuống mức 37.000 – 38.000 đồng/kg, lỗ sâu quá nên bà con không bán mà giữ lại nuôi tiếp. Lợn quá lứa mỡ nhiều, thị trường trong nước không chuộng nên chỉ bán được cho thương lái TQ” - ông Đoán giải thích.
Giải thích việc thương lái TQ liên tục thu gom lợn mỡ thời gian gần đây, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai lại cho rằng, xưa nay chi phí kiểm dịch, giết mổ, vận chuyển… đều tính theo đầu con. Do đó, thương lái TQ thu mua lợn có trọng lượng lớn để giảm chi phí.
Hơn nữa, theo ông Công, lợn quá lứa là lợn già, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh nên việc vận chuyển về TQ cũng dễ dàng hơn.
“Đang là mùa làm bánh trung thu nên lượng thịt mỡ tiêu thụ ở TQ cũng rất lớn. Do đó, số lợn tồn trong dân thời gian qua hiện đã được tiêu thụ hết” - ông Công cho biết thêm.
Khi chúng tôi đề cập đến những rủi ro nếu giá lợn mỡ tăng mạnh, nông dân thúc lợn để có thể bán được giá tốt, ông Công cho rằng: “Trên thực tế, nuôi lợn mỡ ít lời hơn lợn thịt thông thường do thời gian nuôi kéo dài, hao tốn thức ăn nhiều. Hơn nữa, lợn mỡ chỉ bán cho thương lái TQ, nếu việc thu gom này bị ngừng đột ngột, sẽ rất khó khăn cho bà con”.
Một đại diện Chi cục Thú y Đồng Nai cũng cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 12.000 con lợn mỡ được thương lái thu gom, vận chuyển ra Bắc để xuất sang TQ. Riêng trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8, số lượng lợn mỡ bán cho các thương lái có tăng hơn từ 2.000 – 3.000 con.
Nông dân đã có lời
Do thương lái về gom hàng nhiều, giá thu mua lợn cũng đang tăng thêm 2.000 đồng/kg. Hiện tại, lợn mỡ được thương lái thu mua với giá từ 44.000 – 45.000 đồng/kg tại chuồng. Trong khi đó, giá lợn loại 1, dáng đẹp, thịt săn chắc… cũng đã lên mức 46.000 – 47.000 đồng/kg.
Anh Trần Khắc Vinh Quang - chủ hộ chăn nuôi ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, cách đây 2 tuần, anh xuất bán 80 lợn thịt, giá 43.500 đồng/kg. Đến nay, giá tăng lên 46.000 – 47.000 đồng/kg nhưng gia đình chưa có lợn xuất chuồng. “Ở mức giá này, người chăn nuôi đã có lời từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Với đà tăng giá liên tục như những ngày qua, từ nay đến tết, giá lợn sẽ còn tăng hoặc giữ ở mức cao” - anh Quang dự đoán.
Giải thích việc giá lợn tăng, ông Đoán cho rằng, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã cố gắng giảm bớt các khâu trung gian để tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Cụ thể, ông Đoán kể, khi có thương lái TQ từ miền Bắc vào muốn mua lợn, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai dẫn họ đến tận trang trại của các hộ nuôi để bắt lợn. Từ đó, giá bán được tăng thêm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Ông Đoán cũng cho biết thêm rằng, hiện tổng đàn lợn trong khu vực chưa đủ nhiều để bị ép giá. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của các vùng lân cận cũng đang có xu hướng tăng nhẹ, đồng thời phải dự trữ cho mùa lễ, tết sắp tới. Do đó, nông dân có cơ hội để đẩy giá bán lên mức có lời.
Không nên ồ ạt nuôi lợn mỡ
Trao đổi với NTNN về việc thương lái TQ ồ ạt thu gom lợn mỡ, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, mặc dù giá lợn đang tăng cao, nhưng người nông dân cần thận trọng, tránh tái đàn ồ ạt, nhất là nuôi lợn mỡ. “Nhiều vụ việc trước đây như thương lái TQ thu mua các sản phẩm đỉa, rễ tiêu, lá điều khô… là bài học cần phải cảnh giác. Điều này tiềm ẩn rủi ro không thể lường trước được” - ông Trọng nói.
Cũng theo ông Trọng, để kiểm soát tình trạng thu mua lợn của thương lái TQ, Nhà nước cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh và quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu mua, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.
Trong khi đó, theo PGS -TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện trên thế giới người ta giết thịt lợn trung bình từ 125-130kg, còn Việt Nam thường giết thịt ở mức 95 - 105kg, vì người dân không thích ăn nhiều mỡ. Hàng năm, TQ phải dành khoảng 1 tỷ USD nhập thịt lợn từ Mỹ do người dân quen ăn thịt lợn mỡ.
Vì thế, việc thương lái TQ nhập khẩu lợn của Việt Nam cũng hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu người dân thấy tiêu thụ được, có lãi mà đổ xô vào nuôi lợn trong thời điểm này, làm mất cân đối cung cầu, có thể ngành chăn nuôi sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn.
“Hiện giá lợn hơi tăng lên từ 40.000-46.000 đồng/kg cũng chưa phải là lãi nhiều, nhưng để tránh tình trạng đổ xô nuôi lợn, gây mất cân đối cung cầu, các cơ quan chức năng của Nhà nước, đặc biệt là Cục Chăn nuôi cần có cảnh báo vấn đề này” - ông Vang nói.
Thanh Xuân |
Theo Thuận Hải
Dân Việt