Gói trợ cấp “thoát Trung” của Nhật giúp nhà cung cấp cho Boeing rời nước Mỹ

Thùy Dung

(Dân trí) - Mặc dù khoản trợ cấp được nhiều người coi là nhắm vào Trung Quốc, nhưng các nhà sản xuất Nhật Bản không cần phải có hoạt động ở Trung Quốc cũng có thể nhận trợ cấp.

Đại dịch Covid-19 có thể đánh dấu sự chấm hết cho AeroEdge - nhà cung cấp cánh tuabin cho Boeing và Airbus.

Trong 5 năm, nhà sản xuất Nhật Bản này chủ yếu cung cấp cho nhà sản xuất động cơ Safran của Pháp và chỉ sản xuất một sản phẩm - cánh tuabin cho Airbus và Boeing.

Sự gián đoạn và những chuyến bay bị hủy đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hàng không cũng như các nhà cung cấp nhỏ như AeroEdge. Công ty này hiện sử dụng 100 công nhân và đơn đặt hàng của họ đã giảm mạnh do việc ngừng hoạt động của Boeing 737 Max.

Nhưng vào tháng 3 vừa qua, AeroEdge đã tìm ra cách hoàn thành phần đầu tiên và tốn kém nhất của quy trình sản xuất của họ - cắt các thỏi nhôm aluminide titan - ngay tại quê hương Nhật Bản và với chi phí thấp hơn so với công ty Mỹ mà trước đây họ đã thuê ngoài. Bước đột phá này cho phép AeroEdge đủ điều kiện nhận đợt trợ cấp đầu tiên của Chính phủ để hồi hương các hoạt động sản xuất về Nhật Bản.

Gói trợ cấp “thoát Trung” của Nhật giúp nhà cung cấp cho Boeing rời nước Mỹ - 1

AeroEdge đang hồi hương quá trình sản xuất máy móc của mình.

Được biết đến rộng rãi với tên gọi trợ cấp “thoát Trung”, kế hoạch 220 tỷ yên (2 tỷ USD) - chính thức được tính là một phương tiện để “ổn định và đa dạng hóa” các cơ sở sản xuất của Nhật Bản - vốn bị gián đoạn khi Trung Quốc, công xưởng của thế giới, đóng cửa do Covid 19. Đồng thời, các công ty đã cảnh giác hơn với việc chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc và rủi ro địa chính trị đã bắt đầu trước đại dịch.

Trong số 57 công ty được trợ cấp trong đợt đầu tiên, 41 công ty là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những công ty lớn hơn như Iris Ohyama, Ace Japan và Showa Glove là những nhà sản xuất thiết bị y tế, thuốc và thiết bị bảo vệ cá nhân, những thứ thiếu hụt trong những ngày đầu của đại dịch.

Phần còn lại thuộc các ngành công nghiệp được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, chẳng hạn như hàng không vũ trụ, ô tô và sản xuất chip.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) khẳng định, các ngành công nghiệp quan trọng không được nhắm mục tiêu cụ thể để hồi hương.

Yoshikage Shiote, giám đốc bộ phận giám sát trợ cấp, nói với Nikkei Asia, các dự án được đánh giá dựa trên tài chính, khả năng tồn tại của dự án, tỷ lệ sản xuất ở nước ngoài và mức độ tập trung ở một quốc gia hoặc khu vực.

Chương trình đã tạo ra một mối quan hệ hợp tác với các công ty Nhật Bản đang tìm cách “tái sản xuất” một số sản phẩm.

Các quan chức Nhật Bản hiện đang sàng lọc 1.670 đơn xin trợ cấp vòng thứ hai cho thấy, mong muốn mạnh mẽ của các công ty nhằm giảm sự phụ thuộc không chỉ vào Trung Quốc, một đối thủ lớn trong khu vực mà còn vào các đồng minh thương mại như Mỹ.

Trước đại dịch, AeroEdge đã tìm nguồn phôi nhôm titan từ châu Âu, sau đó gửi đến Mỹ để cắt tỉa, sau đó chúng được chuyển đến Nhật Bản để tinh chế trong nhà máy Ashikaga.

Khoản trợ cấp 8 triệu USD sẽ cho phép AeroEdge mua thiết bị cắt tỉa từ một nhà cung cấp Nhật Bản để có thể nhập khẩu titan trực tiếp từ châu Âu và tự gia công. Làm như vậy sẽ giảm chi phí hậu cần và phí hải quan và loại bỏ hàng triệu USD thanh toán hàng năm cho nhà thầu Mỹ.

Mặc dù khoản trợ cấp này được nhiều người coi là nhắm vào Trung Quốc, nơi tập trung nhiều nhà máy Nhật Bản, nhưng các nhà sản xuất không cần phải có hoạt động ở Trung Quốc cũng có thể nhận trợ cấp.

Theo nhà nghiên cứu Shiote của METI, không phải ai trong số những công ty nhận trợ cấp đầu tiên có cơ sở vật chất ở Trung Quốc cũng có kế hoạch rời khỏi đất nước này.

Hãng Iris Ohyama sẽ sử dụng khoản trợ cấp để bắt đầu sản xuất khẩu trang y tế trong nước, bên cạnh các nhà máy của mình ở các thành phố Tô Châu và Đại Liên của Trung Quốc. Trong khi đó, hãng Showa Glove đã xin trợ cấp để ngừng tập trung sản xuất tại ​​Malaysia.

“Gọi đây là trợ cấp "thoát Trung" có phần gây hiểu lầm. Khoản trợ cấp này nhằm mục đích nâng cao chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro. Việc họ chuyển địa điểm hay không là tùy thuộc vào từng công ty", Shiote nói.

Đối với một công ty thích hợp như AeroEdge, có sản phẩm cuối cùng phải tuân thủ các thông số kỹ thuật chính xác, việc thuê lại tất cả các bộ phận sản xuất là một quyết định tức thì. Một cánh tuabin nặng chưa đến nửa chén gạo, và phải vượt qua mọi giai đoạn sản xuất mà không có vết nứt trên vật liệu.

Kazuhiro Mizuta, COO của AeroEdge cho biết: “Chúng tôi muốn kiểm soát chuỗi cung ứng nhiều nhất có thể".

AeroEdge đã sản xuất 60.000 cánh quạt vào năm ngoái, tất cả đều cho động cơ LEAP của Safran được sử dụng trong Boeing 737 Max và Airbus A320neo.

“Điều rất quan trọng đối với Safran là phát triển chuỗi cung ứng trong khu vực này vì bạn cần phải bảo trì các bộ phận máy bay thường xuyên. Có một nhà cung cấp ở Nhật Bản, gần với Trung Quốc, thị trường du lịch hàng không lớn nhất, là một quyết định chiến lược để rút ngắn thời gian bảo trì và thay thế”, Mizuta nói.

Hiện tại, AeroEdge có ba năm để tìm nguồn và phát triển máy cắt tỉa của mình với một nhà cung cấp Nhật Bản, vì khoản trợ cấp này có thể sử dụng cho đến năm 2023.